• 1078 lượt xem
  • 12:10 04/01/2024
  • Kinh tế

Giảm khai thác, tăng nuôi trồng - Hướng tới nuôi biển hiện đại

Gỡ thẻ vàng IUU là một trong những nỗ lực chung để hướng tới ngành thủy sản bền vững, góp phần vào phát triển kinh tế biển - lĩnh vực còn nhiều tiềm năng ở nước ta. Thực tế cho thấy, thuỷ sản là ngành thể hiện rất rõ chiến lược Đại dương xanh. Để phát triển bền vững, Nghị quyết 36 định hướng thay vì chỉ khai thác gần bờ trong các khu vực đang dần cạn kiệt thì cần khai phá các vùng biển xa bờ với trữ lượng phong phú. Song song với đó cần “giảm khai thác – tăng nuôi trồng”, phát triển nhiều mô hình nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện đại. Tại Phú Yên, với lợi thế ngư trường rộng, nhiều đầm vịnh kín gió, các mô hình nuôi biển đã chứng minh hiệu quả cao.

Với đường bờ biển dài, ngư trường rộng, nhiều đầm vịnh kín gió, Phú Yên đã sớm tận dụng lợi thế để đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản. Nhiều hô dân đã tích cực thích ứng và chuyển đổi nuôi biển.

Gia đình anh Đệ nhiều năm nuôi tôm hùm và cá theo mô hình cũ. Từ đầu năm nay, anh quyết định đầu tư để chuyển sang lồng nuôi HDPE theo công nghệ mới bảo vệ môi trường tốt hơn. Vốn ban đầu bỏ ra nhiều hơn nhưng bù lại hiệu quả kinh tế thu về cao hơn.

Tôm hùm là một trong những vật nuôi chủ lực của thị xã Sông Cầu, mang lại nguồn thu 1.800-2.000 tỷ đồng mỗi năm, dẫn đầu cả nước…

Qua 4 năm triển khai Nghị quyết 36 của Trung ương về phát triển kinh tế biển, Phú Yên tập trung các chính sách khuyến khích bà con và doanh nghiệp đầu tư vào nuôi trồng thuỷ sản theo công nghệ mới. Đặc biệt, khu vực ven biển của tỉnh Phú Yên phát triển mạnh, là đầu tàu kinh tế của tỉnh với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 10,5%/năm; thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư, đóng góp trên 65% giá trị GDP và trên 75% ngân sách tỉnh.

Với lợi thế sẵn có, Phú Yên đang xây dựng quy hoạch phát triển chung của tỉnh giai đoạn 2030 tầm nhìn đến năm 2050, xác định rõ vị trí, vai trò của ngành thuỷ hải sản trong phát triển kinh tế. Theo đó, Phú Yên phấn đấu nuôi trồng thủy sản trên biển đạt khoảng 2.650ha vào năm 2025; sản lượng nuôi đạt khoảng 7.000 tấn, giá trị nuôi biển đạt 2.400 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 100 triệu USD, đồng thời huyến khích chuyển đổi vật liệu lồng từ thủ công sang HDPE phù hợp với từng đối tượng nuôi, chịu được biến động thời tiết.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Hà Lan -

Như Huỳnh