Góc nhìn hôm nay: Nỗi lo “bi kịch hóa” sầu riêng

Giá sầu riêng đang khá cao ngay tại vườn, thương lái còn đang tranh mua... mà lại bảo bi kịch, thì thật mâu thuẫn. Nhưng, sự lo ngại sẽ bi kịch với sầu riêng là có cơ sở khi đang có chuyện loạn giá, bẻ cọc, bỏ hợp đồng, phá vỡ chuỗi liên kết… tại khu vực Tây Nguyên. Từ đó, dẫn đến vi phạm các quy định của nhà nước về mã số vùng trồng sầu riêng, về cơ sở đóng gói, an toàn thực phẩm cũng như tiêu chuẩn xuất khẩu.

Nguy cơ lớn sẽ dẫn đến suy giảm uy tín, chất lượng, thương hiệu sản phẩm sầu riêng Việt Nam. Nỗi lo bi kịch với loại cây mệnh danh “xuất khẩu tỷ USD” là ở chỗ này. Năm nay sầu riêng Đắk Lắk đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, nên từ đầu vụ, giá tăng gần gấp đôi so với năm 2022 và hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Thế nhưng, giá cả tăng bất thường cũng có thể kéo theo nhiều lo ngại. 

Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn phải thể hiện qua "hợp tác - liên kết - thị trường". Ngành hàng sầu riêng, cũng phải tổ chức lại theo hướng bền vững. Nghĩa là phải có sự hiện diện của cả sản xuất và tiêu thụ, có nông dân và doanh nghiệp. Tổ chức lại sản xuất, không đơn thuần chỉ là cải tiến kỹ thuật gieo trồng, mà phải tạo không gian để nông dân và doanh nghiệp ngồi lại với nhau. Nếu không, thì nguy cơ cao từ “sầu riêng tỷ đô”, sẽ biến thành “sầu chung đắng ngắt” với cả nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu. 

Chúng tôi kết nối ĐT với ông NGUYỄN QUANG HIẾU, Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế và Truyền thông-Cục trưởng Bảo vệ Thực vật- Bộ NN và PTNT về vấn đề này!

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chương trình!

Quốc Hưng -

Phương Thảo