Không để luật, nghị quyết phải chờ văn bản quy định chi tiết

Quốc hội khóa XV đã đi được nửa nhiệm kỳ. Tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, Quốc hội đã hoàn thành một khối lượng kỷ lục các văn bản pháp luật trong một kỳ họp từ trước đến nay: Thông qua 8 dự án luật và 17 nghị quyết trong đó có 3 nghị quyết quy phạm pháp luật.

GIẢI QUYẾT KHỐI LƯỢNG LẬP PHÁP LỚN NHẤT TỪ TRƯỚC ĐẾN NAY

Những nỗ lực của Quốc hội cùng với các cơ quan hữu quan đã cho thấy sự đổi mới của Quốc hội khóa XV như tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ngay từ đầu nhiệm kỳ, đó là “Quốc hội chủ động dẫn dắt công tác lập pháp”. Tuy nhiên, với hơn 90% tổng số dự án luật trình Quốc hội là của Chính phủ thì Quốc hội không thể "làm thay" các công đoạn chuẩn bị của Chính phủ và các cơ quan chủ trì soạn thảo. Một điểm nghẽn lớn đang nằm ở tốc độ ban hành các văn bản hướng dẫn còn rất chậm của các cơ quan Chính phủ. Vấn nạn "nợ đọng văn bản hướng dẫn", hay "luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư" đang phổ biến ở rất nhiều bộ ngành. 

KHÔNG ĐỂ LUẬT, NGHỊ QUYẾT PHẢI CHỜ VĂN BẢN QUY ĐỊNH CHI TIẾT 

Được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Luật Giao dịch điện tử yêu cầu phải có 6 văn bản quy định chi tiết.

Nếu tính trung bình mỗi luật cần 6 văn bản như vậy thì với 23 luật từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XV đến nay, tổng số văn bản hướng dẫn luật cần có là gần 140 văn bản, chưa kể rất nhiều văn bản hướng dẫn triển khai các nghị quyết. Tuy nhiên, điểm nghẽn lớn nhất trong khâu triển khai luật hiện nay đang nằm ở vấn đề nợ đọng các văn bản hướng dẫn.

Ngay tại phiên chất vấn của UBTVQH đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp vừa qua, các ĐBQH đã chỉ rõ, “tuổi thọ” của một số nghị định, thông tư rất ngắn, vừa ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung; có tình trạng chậm hoặc ban hành văn bản sai.

Tính đến ngày 30/7/2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ còn nợ 17 văn bản, tăng 5 văn bản so với năm 2022.

Việc tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV sẽ là một hình thức giám sát đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật, để kịp thời đôn đốc và xem xét, xử lý các vấn đề vướng mắc.

Luật sửa đổi, bổ sung 2 luật về xuất, nhập cảnh đã có hiệu lực thi hành từ 15/8/2023, chỉ sau chưa đầy 2 tháng Quốc hội thông qua. Trước đó chỉ 1 ngày, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128 quy định cụ thể việc miễn thị thực cho công dân các nước.

Thực tế cho thấy, vấn đề có ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn hay không phụ thuộc chính vào ý chí, kỷ luật của các bộ ngành. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Khắc Phục -

Cao Hoàng -

Sỹ Cường