Liên kết vùng phát huy thế mạnh kinh tế địa phương

Việc phát triển mô hình liên kết vùng từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ở các địa phương dù có nhiều cải thiện nhưng chất lượng và phạm vi hoạt động liên kết vùng còn chưa tương xứng với yêu cầu và bối cảnh phát triển. Đó là nhận định của các chuyên gia tại diễn đàn “Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương” tổ chức sáng nay tại Hà Nội.

Theo Liên minh HTX Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2023, cả nước có hơn 30.000 HTX (riêng nửa đầu năm nay thành lập mới khoảng 1.000 HTX, cùng hơn 120 nghìn tổ hợp tác). Do vậy, việc liên kết vùng để mở rộng không gian sẽ giúp cho hoạt động của khu vực kinh tế tập thể hiệu quả hơn nhờ quy mô rộng lớn.

Tuy nhiên, quá trình sản xuất kinh doanh của các HTX, doanh nghiệp cho thấy, ngay trong lĩnh vực nông nghiệp, việc liên kết còn gặp không ít khó khăn,  xây dựng chuỗi giá trị còn kém hiệu quả khiến nhiều địa phương chưa phát huy được tiềm năng.

Cùng quan điểm này, cơ quan quản lý nhà nước nhận định, liên kết vùng - nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp không chỉ ở đầu tư mà quan trọng là nhìn nhận và cùng khai thác nguồn lực, cung cấp thông tin, kế hoạch phát triển để địa phương, doanh nghiệp và người dân nắm bắt.  

Các đại biểu khuyến nghị, trong các lĩnh vực, nhất là nông nghiệp cần kết hợp quy hoạch vùng sản xuất chuyên môn hóa với quy hoạch phát triển ngành hàng, từ đó tập trung nguồn lực và chính sách cho những sản phẩm thế mạnh vùng. Trong bối cảnh chung, các vùng kinh tế cần điều chỉnh thích ứng, đặc biệt là thay đổi về phương thức sản xuất kinh doanh cũ sang sản xuất chuỗi liên kết, tận dụng lợi thế nhờ quy mô kinh tế.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Hà Lan -

Thế Anh