Nhà Quốc hội Lào - Biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam – Lào

Cách đây tròn 60 năm, vào ngày 5/9/1962, hai quốc gia Việt Nam – Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ Việt Nam-Lào thời kỳ hiện đại. Và trong những ngày tháng 9 lịch sử này, phóng viên của Truyền hình Quốc hội đã có 1 chuyến công tác đầy ý nghĩa tới nước bạn Lào.

Và một trong những điểm đến rất đặc biệt trong chuyến đi đó chính là thăm quan nhà Quốc hội Lào.

Nhà Quốc hội mới của Lào được xây dựng trên nền Nhà Quốc hội cũ tại Quảng trường That Luang, trung tâm Thủ đô Vientiane có diện tích 7.000 m2 gồm 1 tầng hầm, 5 tầng nổi, 547 phòng chức năng. Tòa nhà Quốc hội Lào lấy cảm hứng từ lá Quốc kỳ hiện tại với kiến trúc đậm đà bản sắc dân tộc của đất nước Lào.

Ông PHETPHONECHAY SINLAPAKITH, Chánh văn phòng quản lý tòa nhà Quốc hội Lào: "Tòa nhà Quốc hội mới của chúng tôi được xây dựng xong năm ngoái. Nằm ở trung tâm thủ đô Viên Chăn, giáp với Tháp luông, biểu tượng tượng của dân tộc Lào chúng tôi. Tòa nhà được thiết kế nổi bật, mang đặc thù riêng của Lào, hài hòa với cảnh quan, môi trường là triển trúc biểu tượng của Quốc gia."

Điểm nhấn của Tòa nhà là phòng họp Quốc hội với hệ thống trần vòm mang hình thức kiến trúc đặc trưng của Phật giáo. Đặc biệt ấn tượng là cụm đèn chùm pha lê có đường kính 3m, cao 1,25 m lấy ý tưởng thiết kế cách điệu từ hoa Chăm pa.

Phóng viên TIẾN CƯỜNG: "Tôi đang đứng tại phòng họp lớn của Quốc hội nước CHDCND Lào. Tại đây ở tầng 1 có 335 ghế ngồi bao gồm cả ghế ngồi của tổ thư ký và đoàn chủ tọa. Mỗi một đại biểu tham dự cuộc họp sẽ được cung cấp 1 chiếc máy tính và 1 chiếc thẻ như thế này để đăng ký sử dụng thiết bị khi quẹt và đầu thu tín hiệu."

Vận hành từ tháng 8 năm 2021, tòa nhà đã trở thành nơi làm việc của đại biểu Quốc hội Lào, tổ chức kỳ họp thường lệ và kỳ họp bất thường cũng như là địa điểm tiếp khách trong và ngoài nước

Bà PINGKHAM LASASIMMA, Tổng thư ký Quốc hội Lào: "Tòa nhà Quốc hội mới cũng đã trở thành điểm nổi tiếng, bất cứ ai cũng muốn thấy, muốn tham quan đặc biệt là thanh niên tuổi trẻ và thế hệ kề tiếp của Lào để học hỏi về hệ thống Chính trị, hệ thống bộ máy tổ chức và hoạt động của cơ quan lập pháp là cơ quan đại diện quyền hạn và lợi ích của mình và vừa là nơi để học hỏi về truyền thống hữu nghị đoàn kết đặc biệt giưa hai nước Lào-Việt Nam."

Công trình Nhà Quốc hội Lào hiện là Tòa nhà lớn nhất ở nước CHDCND Lào và là Biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam – Lào .

Tiến Cường