Nhìn lại năm thứ hai xung đột Nga – Ukraine

Ngày 24/2/2024 đánh dấu tròn hai năm Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Cuộc xung đột không chỉ gây tổn thất lớn về người và của cho cả Nga và Ukraine, mà còn tạo nên một cuộc khủng hoảng đa tầng trên phạm vi toàn cầu, với những tác động sâu rộng tới mọi mặt của đời sống. Khi chiến sự bước sang năm thứ ba, câu hỏi lớn nhất vẫn là tương lai cuộc xung đột này sẽ ra sao? Đâu sẽ là chìa khóa để chấm dứt chiến tranh?

Năm vừa qua, các cuộc giao tranh không kém phần ác liệt với sự hiện diện của các vũ khí tấn công tầm xa. Hai bên cũng gia tăng các cuộc tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ của nhau. Chúng ta trước tiên sẽ cùng nhìn lại một số dấu mốc đáng chú ý trong dòng chảy xung đột suốt một năm qua.

Những tháng đầu năm 2023, các nước phương Tây đẩy mạnh cung cấp khí tài, đạn dược cho Ukraine, đáng chú ý là việc viện trợ các xe tăng chiến đấu chủ lực, máy bay và vũ khí tầm xa.Sau mùa đông, đối đầu trên các chiến tuyến tăng nhiệt, cùng các cuộc tập kích vào hậu phương của nhau.

Tháng 5/2023, lần đầu tiên, Điện Kremlin bị tấn công bằng máy bay không người lái.(7058) Cũng trong tháng này, Nga nắm quyền kiểm soát thành phố Bakhmut – nơi được coi là pháo đài biểu tượng cho sức kháng cự của Ukraine.

Tháng 6/2023, Ukraine phát động chiến dịch phản công trên diện rộng và quy mô lớn nhắm vào các lực lượng Nga. Xe tăng và thiết giáp mà NATO cung cấp cho Ukraine lần đầu xuất hiện trên chiến trường.Tháng 6 cũng ghi dấu các sự kiện mang tính bước ngoặt. Trong đó có cuộc “nổi loạn” bất ngờ và chóng vánh của Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner, lực lượng đứng sau chiến thắng của Nga tại Bakhmut.

Cuối tháng 8/2023, Ukraine tuyên bố chọc thủng phòng tuyến đầu tiên của Nga ở khu vực Đông Nam nước này. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Ukraine cũng thừa nhận đà tiến quân chậm do hệ thống phòng thủ với bãi mìn dày đặc của Nga.

Tháng 11/2023, Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Ukraine khi đó là tướng Valeriy Zaluzhny công khai thừa nhận cuộc phản công của Ukraine đã lâm vào bế tắc.Bước sang năm 2024, bên cạnh đối đầu trên thực địa, cả Ukraine và Nga đều tăng cường các cuộc tấn công vào lãnh thổ đối phương, nhằm vào cơ sở hạ tầng quân sự, năng lượng, và giao thông.Ukraine thông báo thành lập đơn vị đặc biệt trong quân đội phụ trách về máy bay không người lái (UAV), trong khi Nga cũng tăng cường năng lực sản xuất các thiết bị bay điều khiển từ xa.

Đầu tháng 2/2024: Ukraine “thay máu” hàng loạt tướng lĩnh quân đội, trong đó có nhiều quan chức đứng đầu bộ máy lãnh đạo quân sự. Ngày 18/2, Nga tuyên bố nắm toàn quyền kiểm soát thị trấn Avdiivka thuộc vùng Donetsk, sau khi quân đội Ukraine rút quân. Việc giành quyền kiểm soát thị trấn này được xem là thắng lợi lớn nhất của Nga trong 9 tháng qua, kể từ chiến thắng tại Bakhmut.

Ukraine thay đổi chiến thuật, tăng cường phòng thủ ở khu vực phía Đông Donbass, nhằm khiến Nga gặp khó khăn trong việc đạt được bước tiến mạnh mẽ trên chiến trường.

Sau hai năm, cuộc xung đột đã trở thành một cuộc chiến tiêu hao, với những thiệt hại không nhỏ cho các bên. Cả Nga và Ukraine đều không công bố con số tổn thất chính thức, khiến có rất nhiều đồn đoán về thương vong của mỗi bên. Năm ngoái, Mỹ công bố số liệu ước tính tổng số binh sĩ thiệt mạng và bị thương của Nga kể từ đầu chiến sự là khoảng hơn 300.000 người, tức là gần 90% số lượng binh sĩ được huy động khi chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu. Trong khi đó, con số thương vong của Ukraine là khoảng 200.000 binh sĩ. # Với tình hình xung đột có dấu hiệu kéo dài, các nỗ lực tìm giải pháp hoà bình vẫn đang giậm chân tại chỗ, cả Nga và Ukraine đang phải duy trì nguồn cung vũ khí và tài chính để phục vụ cho cuộc chiến. 

UKRAINE NỖ LỰC DUY TRÌ DÒNG CHẢY VIỆN TRỢ

Giá rét, bệnh tật, thiếu đạn dược, và hơn hết là sự mệt mỏi đó là tình cảnh mà các binh sĩ Ukraine ở tiền tuyến đang đối mặt.  

Tài chính được đánh giá là yếu tố then chốt trong việc định hình xung đột ở Ukraine trong năm nay. Hỗ trợ từ Mỹ và liên minh châu Âu đều quan trọng đối với Ukraine. Sự bế tắc trong Quốc hội Mỹ về việc thông qua gói viện trợ cho Ukraine, và việc Hungary chặn gói viện trợ 50 tỉ euro của EU dành cho Ukraine trong tuần cuối cùng của năm 2023, đã cho thấy rằng, nếu các khoản hỗ trợ bị gián đoạn, điều đó chắc chắn sẽ làm suy yếu vị thế chiến lược tổng thể của Ukraine.

NGA CHÈO LÁI NỀN KINH TẾ THỜI CHIẾN

Về phía Nga, nước này cho đến nay đã duy trì khả năng phục hồi kinh tế và sức chống chịu trước áp lực của phương Tây, bằng cách tăng cường quan hệ kinh tế và năng lượng với Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước vùng vịnh.

Nga đang phải chịu hơn 17000 lệnh trừng phạt, mới đây nhất là các gói trừng phạt của Liên minh châu Âu và Mỹ. Mặc dù vậy, 10 tháng đầu năm 2023, GDP của Nga vẫn tăng trưởng 3%, theo số liệu của nước này. Thu ngân sách cũng đạt kỉ lục 320 tỷ USD trong năm 2023.

Tuy nhiên, theo các báo cáo mới đây, xung đột ở Ukraine đã tiêu tốn của Nga hơn 200 tỉ USD. Ngoài ra, hơn 300 tỉ USD tài sản của Nga đang bị đóng băng ở các nước phương Tây, và có thể sẽ được dùng để hỗ trợ tái thiết sau chiến tranh cho Ukraine. 

Bên cạnh vấn đề nhân lực và tài chính, chính trị là một yếu tố có thể tác động đáng kể tới cuộc xung đột ở Ukraine trong năm nay. Ít khi nào mà bầu cử lại diễn ra đồng loạt ở những quốc gia có liên quan tới xung đột ở Ukraine, với những sự thay đổi có thể mang tính bước ngoặt.  

BẦU CỬ TỔNG THỐNG NGA

Diễn ra sớm nhất sẽ là cuộc bầu cử Tổng thống Nga vào tháng 3 tới.

Với mức tín nhiệm cao, Tổng thống Nga Putin được dự đoán sẽ giành chiến thắng áp đảo

Tổng thống Nga Putin đã nhiều lần thể hiện quyết tâm phải đạt được các mục tiêu trong chiến dịch quân sự đặc biệt. Vì vậy, việc ông tiếp tục nhiệm kỳ Tổng thống tiếp theo gửi đi tín hiệu cuộc xung đột tại Ukraine sẽ không khép lại dễ dàng.

BẦU CỬ TỔNG THỐNG MỸ

Diễn ra vào thời điểm gần cuối năm, nhưng cuộc đua vào vị trí Tổng thống Mỹ đã thu hút sự chú ý của dư luận thế giới ngay từ sớm.  Các cuộc thăm dò đều đang nghiêng về kịch bản một cuộc tái đấu giữa Tổng thống đương nhiệm Joe Biden và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.Hai ứng cử viên hoàn toàn tương phản, đặc biệt là quan điểm và thái độ đối với cuộc xung đột tại Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden thể hiện sự kiên định trong việc ủng hộ về tài chính và thiết bị quân sự cho Ukraine.

BẦU CỬ NGHỊ VIỆN CHÂU ÂU

Còn tại châu Âu, tháng 6 năm nay, hơn 400 triệu cử tri tại 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu sẽ bỏ phiếu Nghị viện châu Âu, với nhiệm kỳ mới 5 năm. Năm nay, châu Âu chứng kiến sự trỗi dậy của các đảng cực hữu. Phe cực hữu châu Âu có những điểm tương đồng với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, đó là thiên về quyền lợi quốc gia trước tiên. Chính vì vậy, cuộc bầu cử tại châu Âu có thể tạo ra bước ngoặt lớn trong hỗ trợ tài chính của EU đối với Ukraine.

BẦU TỔNG THƯ KÝ NATO

Cũng trong năm nay, NATO dự kiến sẽ có Tổng thư ký mới, sau khi ông Jens Stoltenberg thôi vị trí người đứng đầu liên minh vào tháng 10 tới. Thủ tướng Hà Lan sắp mãn nhiệm Mark Rutte là ứng cử viên sáng giá cho vị trí này. Tổng thư ký mới sẽ nhậm chức vào thời điểm quan trọng, gánh vác trọng trách duy trì sự ủng hộ của các thành viên NATO dành cho Ukraine, đồng thời ngăn chặn nguy cơ leo thang có thể kéo liên minh này vào một cuộc chiến trực diện với Moskva.

Bước sang năm thứ ba, xung đột Nga – Ukraine đang rơi vào tình trạng “đóng băng”, hay thậm chí là bế tắc. Những diễn biến trong thời gian tới được cho là sẽ định hình hướng đi của xung đột.

Quyết tâm đồng hành cùng Ukraine của phương Tây sẽ diễn biến theo chiều hướng nào? Nga sẽ tiếp tục chống chọi ra sao dưới làn sóng trừng phạt ngày càng gia tăng? Và những cuộc bầu cử quan trọng trong năm nay sẽ gọi tên ai là người chiến thắng. Đây sẽ là những yếu tố có tác động mạnh mẽ tới cục diện chiến sự. Và có một thực tế chắc chắn rằng, dư luận ở Nga, Ukraine và toàn thế giới đều không mong muốn cuộc chiến này kéo dài vô tận. 

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

QT