Nỗ lực bảo tồn và phát huy nhạc cụ mã la tại Ninh Thuận

Cùng với cây đàn Chapi, mã la là nhạc cụ truyền thống có vai trò hết sức quan trọng trong văn hóa của người Raglai, nếu Chapi là đàn dành cho người nghèo thì mã la là bộ gõ chỉ xuất hiện trong những lễ hội lớn, được xem là nhạc cụ tiêu biểu nhất vì xuất hiện trong tất cả lễ hội quan trọng. Huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận là địa phương đã nỗ lực mở nhiều lớp truyền dạy để bảo tồn, phát huy loại nhạc cụ này.

Đây là buổi tập nhạc cụ dân tộc của xã Phước Chính, huyện Bác Ái. Trong buổi tập này, cách đánh mã la được các nghệ nhân lớn tuổi truyền dạy cho các bạn trẻ trong làng. Bộ gõ mã la của người Raglai nhìn giống với chiêng của đồng bào Tây Nguyên, tiếng mã la dồn dập hòa quyện với tiếng đàn, khèn bầu tạo nên âm thanh sống động của vùng núi rừng Bác Ái. Theo các nghệ nhân, mã la là nhạc cụ của người giàu, chỉ xuất hiện trong các lễ hội lớn.

Mã la là loại nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống của người Raglai, Để bảo tồn loại hình di sản văn hóa này, thời gian qua, huyện Bác Ái đã mở các lớp truyền dạy. Qua các lớp này, nhiều thanh niên Raglai đã sử dụng thành thạo bộ gõ và trở thành thành viên của đội văn nghệ. Điều này khiến các nghệ nhân lớn tuổi hết sức phấn khởi vì đã có lớp trẻ tiếp nối giá trị truyền thống tổ tiên để lại.

Với nỗ lực bảo tồn bộ gõ mã la của tỉnh Ninh Thuận, hiện nay nhạc cụ này và nhiều nhạc cụ dân tộc khác của người Raglai được nhiều bạn trẻ yêu thích. Tại các khu du lịch cộng đồng tại huyện Bác Ái, tiếng mã la hòa quyện với các nhạc cụ khác đang trở thành điểm thu hút khách tham quan khi đến với Ninh Thuận.

Mời quý vị và các bạn theo dõi!

Lê Trang -

Triệu Nguyễn