Nỗ lực trong cuộc đua với biến đổi khí hậu

Việt Nam là một trong những nước châu Á đặt tham vọng lớn nhất về ứng phó với biến đổi khí hậu. Nỗ lực của nước ta những năm qua đã cho thấy hành trình tiến gần về “O” đang được rút ngắn. Việt Nam nổi lên là 1 trong 5 nước đạt ngưỡng giảm phát thải carbon, là quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về chuyển đổi sang năng lượng sạch và từng bước xây dựng nền kinh tế xanh, bền vững.

Theo Nghiên cứu Chỉ số kinh tế Net Zero năm 2023, Việt Nam là một trong 5 nền kinh tế vượt qua ngưỡng giảm phát thải carbon được đề ra trong mục tiêu đóng góp do quốc gia tự quyết định NDC. Mặc dù sự chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp không hề dễ dàng.

Thực tế, những năm gần đây, Việt Nam đóng vai trò như là động lực chính cho tăng trưởng năng lượng tái tạo ở ASEAN, chiếm tới 69% sản lượng điện mặt trời và điện gió của toàn khu vực trong năm 2022. Quy hoạch điện VIII với mục tiêu 71,5 % nguồn điện sẽ là điện tái tạo vào 2050, đây là sự thích ứng đột phá, linh hoạt và phù hợp với tăng trưởng xanh, giảm phát thải toàn cầu.

Việt Nam là nước thứ 3 thông qua Tuyên bố chính trị, thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Sau rất nhiều nỗ lực, tại Cop28, Việt Nam đã chính thức công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP, thể hiện sự tiên phong trong việc mở đường cho một tương lai năng lượng sạch.

Trước thách thức của biến đổi khí hậu, Việt Nam đang thúc đẩy hành trình chuyển từ nâu sang xanh, từng bước xây dựng nền kinh tế xanh, với sự tham gia mạnh mẽ từ phía doanh nghiệp. Vinamilk là doanh nghiệp có trang trại và nhà máy đầu tiên tại Việt Nam đạt trung hòa carbon.

Tăng trưởng xanh hướng tới sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế của thế giới, hướng tới mục tiêu hiện thực hóa cam kết Net zero vào năm 2050.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Kim Thanh -

Kim Thoa -

Huyền Trang