Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu khi để lãng phí đất đai kéo dài

Tiếp tục chương trình làm việc của Đoàn giám sát chuyên đề do Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn, với UBND TP Đà Nẵng về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021”.

Chiều 18/7, các đại biểu tiếp tục thảo luận, làm rõ nhiều bất cập trong việc chậm triển khai các dự án, vấn đề lãng phí đất đai kéo dài của Đà Nẵng.

Liên quan đến những vướng mắc, bất cập trong thực hiện các kết luận thanh tra, bản án dẫn đến lãng phí rất lớn nguồn lực đất đai tại Đà Nẵng trong hàng chục năm qua, đại diện Thanh tra Chính phủ đánh giá, trong quá trình thực hiện các kết luận thanh tra, bản án, nhiều nội dung chưa thực hiện được do phát sinh từ thực tiễn, vướng quy định pháp lý, một số nội dung đã xảy ra từ hàng chục năm trước nên rất khó khăn trong việc xác định lại giá trị hoặc dự án, thửa đất dự án đã chuyển nhượng qua nhiều nhà đầu tư.

Ông TRẦN VĂN MINH, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ: “Quay lại thời kỳ cũ thì quy định pháp luật gỡ không nổi, cần phải báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ví dụ họ là F5 rồi, kết luận thanh tra thì phải thu chứ, cái đó là cái khó”. 

Về nội dung thống kê danh mục các dự án chậm triển khai liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Đà Nẵng nên tách thành hai nhóm danh mục cụ thể, một nhóm dự án tồn tại trước 2016 có tính đặc thù, một nhóm dự án phát sinh trong giai đoạn 2016 – 2020 để có hướng giải quyết cụ thể.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng thừa nhận lãng phí đất đai đang là vấn đề nhức nhối của địa phương. Theo luật đất đai năm 2013 có quy định, chủ đầu tư 12 tháng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ triển khai dự án 24 tháng thì sẽ rơi vào đối tượng phải thu hồi. Tuy nhiên đặc thù của Đà Nẵng trước đây là giao đất, cho thuê đất không có dự án đầu tư, sau khi giao đất, cho thuê đất thì chủ đầu tư mới triển khai thủ tục từ phê duyệt quy hoạch, đánh giá tác động môi trường, dẫn đến không có cơ sở kiểm tra tiến độ sử dụng đất, và thành phố chỉ triển khai kiểm tra từ 2016.

Ông TÔ VĂN HÙNG, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng: “Sau khi kiểm tra, ban hành quyết định gia hạn 24 tháng. Hết 24 tháng, các chủ đầu tư vẫn không triển khai được, thì có 31 dự án, trong đó có dự án có yếu tố nước ngoài. Vấn đề vướng nhất hiện nay là các dự án này vướng vào kết luận thanh tra. Đơn giản nhất là một khu đất chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì không thể thực hiện các bước như là đầu tư, cấp phép xây dựng. Các dự án này trong quá trình triển khai, có kết luận thanh tra thì gần như bị đóng băng lại”.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị TP Đà Nẵng nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Tổ Công tác, ý kiến thành viên Đoàn Giám sát và các cơ quan liên quan. Đoàn cũng nhận thấy còn nhiều vấn đề thành phố cần khắc phục như về chất lượng báo cáo, sự thống nhất về số liệu, cần làm rõ nguyên nhân của các khó khăn vướng mắc, chỉ rõ trách nhiệm cơ quan tổ chức chịu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, đảm bảo nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG: “Làm rõ trách nhiệm các cấp các ngành, nhất là người đứng đầu, đề xuất giải pháp khắc phục, nhất là kết quả thanh tra kiểm tra, xử lý trách nhiệm công vụ. Có đồng chí nói là thanh tra kiểm tra xử lý thế này thì không ai dám làm, liệu điều đó có đúng không, hay là như này sẽ giúp chúng ta làm tốt hơn?”

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị thành phố đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật cụ thể, rõ ràng để cung cấp thông tin cho đoàn giám sát. Trong đó tránh trùng lặp mâu thuẫn giữa đánh giá ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân chủ quan, khách quan, không rõ trách nhiệm của từng cấp. Những vấn đề đã rõ, thuộc phạm vị của thành phố cần chỉ đạo khắc phục ngay, không đợi khi có báo cáo và nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề giám sát.

Nguyễn Hùng