Tín ngưỡng thờ Mẫu trong dòng chảy văn hóa Việt

Việt Nam là một quốc gia có nhiều loại hình tín ngưỡng tâm linh, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và trở thành nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu. Năm 2016, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, khẳng định vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt.

Tuy nhiên những năm gần đây, bên cạnh niềm vui vì tín ngưỡng thờ mẫu được gìn giữ và phát huy, nhiều người vẫn còn trăn trở về việc cần phải có một cái nhìn đúng, hiểu đúng về tín ngưỡng thờ Mẫu, làm thế nào để tín ngưỡng Thờ mẫu không bị biến tướng.

Tín ngưỡng thờ Mẫu được xây dựng và bảo tồn trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta bởi các câu truyện lịch sử cũng như truyền thuyết về các vị anh hùng dân tộc. Đồng thời, cũng chính là lòng tin của con người vào sự linh thiêng của các vị Thánh Mẫu hay những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại có công với nước, với dân và thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” trong tâm thức của người Việt, răn dạy con người biết cho đi và biết chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Đây cũng chính là giá trị nhân văn và đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Thông qua việc kết hợp một cách nghệ thuật các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như một "bảo tàng sống" lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa, thể hiện quan niệm của người Việt về lịch sử văn hóa, cùng vai trò của giới và bản sắc tộc người.  Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì việc thực hành, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt vẫn còn tồn tại những hiện tượng phản cảm, biến tướng sai lệch với bản chất của di sản.

Tình trạng thương mại hóa Đạo Mẫu đang là một thực tế phải đối mặt, và chính thực tế này đã khiến cho nhiều người không đánh giá đúng và công bằng về di sản tín ngưỡng này. Bên cạnh đó nhận thức chưa đúng của cộng đồng đã đẩy câu chuyện thực hành tín ngưỡng đi quá xa. Không ai hết chính cộng đồng phải biết cách bảo vệ di sản của chính mình để di sản thực sự được bảo tồn và phát huy hết giá trị vốn có trong đời sống.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Thu Hằng -

Văn Thắng