Tồn hơn 5.000 tỉ đồng, có nên duy trì Quỹ dịch vụ viễn thông công ích?

Quỹ dịch vụ viễn thông Công ích Việt Nam hiện tồn hơn 5000 tỷ giai đoạn 2015 – 2020. Có nên tiếp tục để tồn tại Quỹ này không? và Nếu có thì cần quy định cụ thể như thế nào? Đây là câu hỏi tiếp tục có nhiều ý kiến tranh luận trong buổi làm việc với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường với Bộ Thông tin truyền thông sáng nay nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6, tháng 10 tới đây.

Bộ TT&TT lý giải Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích vẫn tồn dư trên 5000 tỷ đồng trong giai đoạn 2015 – 2020 là do vướng Luật quản lý sử dụng Tài sản công, và còn 8/22 nhiệm vụ Quỹ chưa thể triển khai do các vướng mắc khác.

Theo Bộ, giai đoạn qua, Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích đã thực hiện được nhiều nhiệm vụ công ích. Đã có hơn 50 đảo, huyện đảo, nhà giàn được hưởng chương trình phổ cập, hơn 152.000 thuê bao là hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ cước. 2,4 triệu phút liên lạc dịch vụ viễn thông di động hàng hải  được cung cấp cho ngư dân đánh bắt thủy hải sản trên biển ... Do đó, Bộ TTT cho rằng việc duy trì Quỹ là vẫn cần thiết.

Tuy nhiên, còn không ít đại biểu băn khoăn về hiệu quả của Quỹ.

Không chỉ đặt câu hỏi về hơn 5000 tỷ đồng tồn dư của Quỹ sẽ được xử lý như thế nào cho hiệu quả, nhiều ý kiến đề nghị, Quỹ cần làm rõ về nhiệm vụ, nguồn thu không trùng lặp cũng như xác định rõ “ tuổi đời” của Quỹ sẽ là bao nhiêu?

Nếu đồng ý với phương án duy trì quỹ, có ý kiến cho rằng cần xác định mức đóng, lộ trình đóng góp vào Quỹ của doanh nghiệp để đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Đại diện Ủy ban KH, CN& MT cũng đặt nhiều câu hỏi liên quan đến những tồn tại và giải pháp về những nhiệm vụ chưa triển khai của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, ngoài ra là vai trò, trách nhiệm của địa phương khi phổ cập Quỹ.

 

Bích Hạnh -

Tùng Dương