• 1376 lượt xem
  • 21:45 29/06/2022
  • Xã hội

UNCLOS: Bản hiến pháp thiết lập trật tự pháp lý, thúc đẩy hòa bình trên biển

Đối thoại Biển lần thứ 8 với chủ đề “Kỷ niệm 40 năm UNCLOS: Thúc đẩy hợp tác biển ở Đông Nam Á” do Học viện Ngoại giao, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung đồng tổ chức đã khai mạc vào sáng ngày 29/6.

Đối thoại có sự tham gia đông đảo của hơn 150 đại biểu tham dự trực tiếp và hơn 100 đại biểu đăng ký tham dự trực tuyến; trong đó có 15 diễn giả là các chuyên gia uy tín từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ, đại diện từ Liên Hợp Quốc, đại diện của trên 20 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.

Phát biểu tại Đối thoại Biển lần thứ 8, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh việc thông qua Công ước Liên hợp quốc về Luật biển cách đây 40 năm là một dấu mốc lịch sử trong quá trình phát triển của luật biển quốc tế. Lần đầu tiên, một khung pháp lý toàn diện, một bản “hiến pháp” của các đại dương được thiết lập. Kể từ đó, Công ước Luật biển đã chứng minh được giá trị phổ quát và được kết tinh thành luật tập quán quốc tế. 

Các đại biểu tham dự Đối thoại cũng nhận định UNCLOS đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy vai trò hợp tác phát triển biển và sự hợp tác giữa các quốc gia cũng như sự phát triển bền vững của biển và đại dương.

TS. NGUYỄN THỊ LAN ANH - Học viện Ngoại giao: “Với giá trị là một bản hiến pháp UNCLOS đã định ra một trật tự pháp lý, định ra quyền và nghĩa vụ của các quốc gia không chỉ ở ven biển và cả ở các quốc gia không có biển, các quốc gia có hoàn cảnh địa lý đặc biệt khác. Dựa trên cơ sở pháp lý mà UNCLOS đã dày công xây dựng, các quốc gia đã có cơ sở hoàn thiện để quản lý, sử dụng biển một cách bền vững cũng như có cơ sở pháp lý để giải quyết những tranh chấp theo hướng hòa bình ổn định và mang lại thịnh vượng chung cho tất cả các quốc gia”

Theo các đại biểu,UNCLOS cũng đóng một vai trò tích cực bảo tồn cũng như khai thác phát triển nguồn tài nguyên biển. Tuy nhiên chúng ta vẫn đang gặp phải những thách thức như khai thác quá mức các tài nguyên biển, biến đổi khí hậu, do vậy cộng đồng quốc tế cần phải sát cánh cùng nhau hợp tác để thực hiện tuân thủ luật pháp về biển.

TS. NGUYỄN THỊ LAN ANH - Học viện Ngoại giao: “Có thể nói trải qua rất nhiều năm hiểu biết về đại dương vẫn là một bí ẩn đối với con người trong bối cảnh hiện nay đại dương lại mang đến những thách thức mới trong quá trình phát triển bền vững chẳng hạn như sự thay đổi nước biển dâng hay sự biến đổi khí hậu. Cơ sở pháp lý của công ước luật biển quy định tại điều 122, 123 sẽ giúp các quốc gia ở Đông Nam Á có thể phát huy tinh thần hợp tác, những thực tiễn tốt mà chúng ta đã thành công trong quá khứ để hướng tới giải quyết bền vững những thách thức về nước biển dâng và ô nhiễm môi trường biển”

Đối thoại Biển lần thứ 8 tập trung vào Luật biển Quốc tế và các khía cạnh và khả năng hợp tác tại khu vực Đông Nam Á, bao gồm 4 phiên với các chủ đề: (i) UNCLOS và khu vực Đông Nam Á: Các chủ đề chưa được nghiên cứu đầy đủ; (ii) Giảm thiểu khí thải từ các hoạt động vận tải; (iii) Nghĩa vụ hợp tác giữa các quốc gia ở các vùng biển nửa kín: Khía cạnh pháp lý, thực tiễn quốc gia, và tương lai phía trước (iv) Bảo tồn và sử dụng bền vững các khu vực đa dạng sinh học ngoài quyền tài phán quốc gia./.

Vân Hương