Xây dựng nông thôn mới nhìn từ quá trình đô thị hóa

Những tuyến đường rộng rãi, trải dài khắp thôn, xóm…; những ngôi trường được xây dựng khang trang, đầy đủ cơ sở vật chất… là kết quả của nỗ lực không ngừng nghỉ trong 10 năm huyện Tiên Lãng xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, nhờ quy hoạch đồng bộ nên hạ tầng được đầu tư bài bản, 100% đường trục chính, đường liên thôn được cứng hóa; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 là 61 triệu đồng/người/năm, gấp 2,6 lần so với năm 2011.

Xác định xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là một chủ trương lớn, đồng thời với quá trình đô thị hoá ngày càng nhanh, lãnh đạo và người dân các xã đều chú trọng quy hoạch diện mạo nông thôn một cách bài bản, bền vững.

Không chỉ tại Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng xác định xây dựng nông thôn mới phải tiệm cận với hạ tầng đô thị thành phố. Các vấn đề liên quan tới giao thông, giáo dục, y tế, thu nhập… cũng dựa trên cơ sở tiêu chí đô thị. Ngân sách thành phố hỗ trợ trung bình cho mỗi xã thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu khoảng 125 tỷ đồng. Dù vậy vẫn có những thách thức cần được quan tâm trong thời gian tới như: quỹ đất nông nghiệp, lao động nông thôn ngày càng giảm dần… Thành phố chưa có Đồ án quy hoạch vùng huyện được nghiên cứu, phê duyệt, dẫn tới sự kết nối giữa nông thôn và đô thị còn hạn chế, các trung tâm đô thị chưa được phát huy vai trò đầu tàu về kinh tế, chưa tạo ra hiệu ứng lan tỏa.

Để xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị bền vững, Hải Phòng xác định sớm hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định định hướng phát triển khu đô thị nông thôn và các khu chức năng, quy hoạch khu dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn để thực hiện tiêu chí huyện NTM nâng cao; đối với các huyện, xã có tốc độ đô thị hóa cao, được định hướng chuyển đổi đơn vị hành chính cấp quận đến năm 2025 thì tiến hành lập quy hoạch chung bảo đảm việc kết nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng cơ sở đồng bộ với khu đô thị…

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Hà Lan