Bảo tồn nguồn gen dược liệu quý hiếm tại Vườn quốc gia Ba Vì

Bảo tồn đa dạng sinh học vừa là giải pháp trước mắt, vừa là giải pháp lâu dài, bền vững nhằm bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Công tác bảo tồn đa dạng sinh học của nước ta hiện đang được thực hiện chủ yếu ở các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, nơi lưu giữ các cánh rừng, các nguồn gen thực vật quý hiếm…

Trước thực tế, nhiều cây thuốc quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai, Vườn Quốc gia Ba Vì đã và đang tích cực phục hồi, bảo tồn các nguồn gen dược liệu quý hiếm đó... 

Vườn Quốc gia Ba Vì là nơi có sự đa dạng rất cao về các loài dược liệu. Trong số 2180 loài thực vật tại đây, đã có đến 503 loài có giá trị dược liệu. Đặc biệt có 26 loài nằm trong sách đỏ VN. Số lượng các loài cây có giá trị dược liệu ở Vườn Quốc gia Ba Vì chiếm khoảng 22% so với các loài dược liệu trong cả nước. Nhưng theo chia sẻ của đại diện Vườn Quốc gia Ba Vì, thời gian qua, mặc dù đã nỗ lực ngăn chặn, song tình trạng suy giảm đa dạng nguồn gen dược liệu vẫn tồn tại.

Với mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học, nhân giống và phát triển nguồn gen dược liệu quý, Vườn Quốc gia Ba Vì đã phối hợp với Trung tâm sinh thái nông nghiệp của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã triển khai nghiên cứu và trồng thử nghiệm 10.000 cây giống của 5 loài dược liệu quý đang nằm trong sách đỏ Việt Nam, để trồng dưới tán rừng tự nhiên ở độ cao coste 400 tại VQG Ba Vì, trên diện tích 2ha.

Hoàng Tinh Hoa Trắng, Khôi Tía, Tế Tân Nam, Hoa Tiên, Bách Xanh... 5 loài dược liệu sách đỏ này, sau hơn 1 năm trồng dưới tán rừng ở Vườn Quốc gia Ba Vì, đến nay cây sinh trưởng tốt, tỉ lệ sống đạt cao.

Thực tế, biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ, làm suy thoái đa dạng sinh học, song nếu biết bảo vệ những cánh rừng, gìn giữ môi trường sống cho các loài động thực vật, bảo tồn các nguồn gen quý thì các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu sẽ bị đẩy lùi đáng kể.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Kim Thanh -

Kim Thoa -

Hiền Trang