• 1317 lượt xem
  • 08:53 27/08/2023
  • Văn hóa

Cây thị cổ khổng lồ tỏa bóng xanh mát trên 700 năm tại Hà Tĩnh

Cây thị cổ thụ có tuổi đời hơn 700 tuổi ở xã Kim Hoa (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) vừa được công nhận là cây di sản Việt Nam. Trải qua hơn 7 thế kỷ vẫn tràn đầy sức sống, tỏa bóng xanh mát. Cây thị này còn gắn với sự tích cứu Vua Lê Lợi khi bị giặc Minh truy đuổi, vì vậy, cây thị cổ được bà con ở địa phương tôn kính, xem như là một biểu tượng lịch sử.

Cây thị cổ cao khoảng 40m, tán lá rộng chừng 30m, đường kính thân cây 5 người ôm không xuể, gốc cây sần sùi, rêu xanh bám quanh. Đặc biệt phía trong gốc cây rỗng ruột nên 2-3 người có thể ngồi vừa bên trong.

Có nhiều gắn bó với cây thị cổ, ông Nguyễn Văn Thiệu năm nay gần 90 tuổi còn nhớ như in sử tích về cây thị được truyền miệng từ bao đời.  Tương truyền vào năm 1425, khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh gặp khó khăn, Lê Lợi đã quyết định kéo quân di chuyển vào vùng đất Đỗ Gia (tức Hương Sơn, Hà Tĩnh ngày nay) để lập căn cứ. Biết tin thủ lĩnh nghĩa quân Cốc Sơn Nguyễn Tuấn Thiện đang đứng lên khởi nghĩa ở vùng núi Hương Sơn, Lê Lợi đã tìm đến chiêu quân, kết nghĩa anh em. Sau đó cả hai cùng giết ngựa trắng, cắt tóc ăn thề dưới gốc thị cổ, thể hiện quyết tâm đồng lòng cùng nhau đánh giặc ngoại xâm.

Phía dưới gốc cây cổ thụ, người dân trong vùng lập bàn thờ đặt tên là "Gốc thị sử tích". Vào các ngày lễ, bà con thường đến đây để cầu chúc may mắn và bình yên cho dân làng. Người dân coi gốc thị như một "bảo bối" bảo vệ họ, bảo vệ mảnh đất họ đang an cư lạc nghiệp. Bóng mát của cây thị cổ khiến người dân sống xung quanh luôn cảm nhận được sự trong lành và bình yên của làng quê.

Cây thị cổ không chỉ lưu dấu sử tích về một gốc cây đã từng cứu nguy vị vua đặc biệt trong lịch sử Việt Nam - Lê Lợi, mà còn là một biểu tượng ấm áp của làng quê Việt, là kỷ niệm về nơi chôn nhau, cắt rốn của bao thế hệ người dân sinh ra và lớn lên tại vùng đất này.

Bích Liên -

Hồng Dũng