Chính phủ trình dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 26, sáng nay 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chính phủ trình bày tờ trình dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Dự thảo luật bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều.

Về chính quyền Thủ đô, Chính phủ đề xuất bổ sung và kế thừa việc thực hiện mô hình tổ chức chính quyền thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 97 của Quốc hội, theo đó, sẽ không tổ chức Hội đồng nhân dân phường và bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc thành phố Hà Nội. Đồng thời, đề xuất tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân từ 95 lên 125 đại biểu, tỷ lệ đại biểu chuyên trách (từ 20% lên 25%), số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân (từ 2 lên tối đa 3); mở rộng thành phần Thường trực Hội đồng nhân dân so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương (bổ sung ủy viên là Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội) nhằm nâng cao năng lực và tăng tính chuyên nghiệp của Hội đồng nhân dân.

Dự thảo quy định 3 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền Thủ đô. Trong đó, nhóm nhiệm vụ, quyền hạn về tổ chức, bộ máy, cán bộ, công chức dự thảo luật quy định một số nội dung đặc thù như: Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, quận, huyện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý trên địa bàn.

Thành phố Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn biên chế dự phòng căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, mức độ hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện làm việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của thành phố Hà Nội để bảo đảm các chi phí cho biên chế tăng thêm.

 

Truyền hình Quốc hội Việt Nam