Còn dư địa kiểm soát lạm phát từ nay đến cuối năm

Sáng 24/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp ban Chỉ đạo điều hành giá, đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành giá quý I/2024, định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2024. Theo nhận định, nếu như quý 1, thị trường hàng hóa và giá các mặt hàng tương đối ổn định thì tháng 4 áp lực lạm phát tăng. Trong những tháng từ nay đến cuối năm, dự báo còn nhiều biến động cần biện pháp điều hành chủ động, linh hoạt.

Một yếu tố dự báo gây áp lực lên mặt bằng giá trong những tháng còn lại của năm 2024 là giá dịch vụ vận chuyển hàng hoá bằng đường biển và phụ thu đối với hàng hóa container tại cảng biển. Hiện tại, mức giá cao hơn khoảng 146% so với trước đại dịch Covid-19, tăng 88% so với cùng kỳ năm ngoái, gây áp lực đến chi phí của doanh nghiệp.

Bên cạnh yếu tố căng thẳng tại khu vực biển Đỏ, nhiều tàu phải đi vòng dẫn đến chi phí tăng lên, nguyên nhân còn do thông tư 15 của Bộ GTVT về điều chỉnh giá dịch vụ xếp dỡ tại cảng biển có hiệu lực cùng thời điểm.  

Trước xu hướng áp lực chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm nay khá cao, trong khoảng 3,64% - đến 4,5%, một số ý kiến cho rằng, cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, tránh tăng giá cùng thời điểm, gây áp lực thị trường.

Trong thời gian tới có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới lạm phát như giá năng lượng và các vật tư chiến lược, việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá đối với các mặt hàng Nhà nước quản lý, và chênh lệch tỷ giá làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu. Do vậy, bên cạnh công tác dự báo, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra, phối hợp hài hòa, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách khác.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để triển khai, hướng dẫn Luật Giá năm 2023 đảm bảo thống nhất, đồng bộ và hiệu quả trong quản lý, điều hành giá, tránh khoảng trống pháp lý sau khi Luật được ban hành.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!

 

Thanh Nga -

Cao Hoàng