Còn nhiều vướng mắc khi doanh nghiệp tiếp cận vốn

Giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đều có chung nhận định hiện còn nhiều vướng mắc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để tháo gỡ cần phải tăng cường các giải pháp như bảo lãnh, vay vốn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn tín dụng, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng đất nước.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Nghị quyết 43 là một chủ trương và quyết sách hết sức đúng đắn, chính xác và kịp thời. Một số chính sách thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, người dân và người lao động đã phát huy hiệu quả. Ngoài ra còn dành hơn 50% nguồn lực của Chương trình cho đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội với những dự án quan trọng mang tính chiến lược của quốc gia đến nay cũng đang triển khai tích cực. Tuy nhiên, một số chính sách chưa đạt được kết quả như mong muốn, còn tình trạng doanh nghiệp cần thì không thể tiếp cận được nguồn vốn, doanh nghiệp đủ điều kiện lại không có nhu cầu vay…

Giải trình thêm về việc doanh nghiệp, người dân khó tiếp cận tín dụng khi từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, đưa mặt bằng lãi suất của các khoản cho vay mới giảm khoảng 2% so với cuối năm ngoái nhưng tín dụng vẫn tăng chậm, đến 27/10, tín dụng tăng 7,1% so với cuối năm ngoái. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, doanh nghiệp và người dân khó khăn trong trả nợ, khiến các tổ chức tín dụng cũng khó thu hồi nợ. Điều này đã tạo áp lực cho việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Theo NHNN, hiện nay Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đang nghiên cứu để thực hiện các giải pháp giải quyết khó khăn, khi những yếu tố pháp lý được giải phóng thì chắc chắn tín dụng sẽ được tăng cường theo quá trình này.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam