Cộng đồng chung tay bảo vệ các loài rùa nguy cấp

Thưa Quí vị khán giả,  Việt Nam là một quốc gia được đánh giá là giàu có về tài nguyên rùa, với 32 loài rùa bản địa (5 loài rùa biển, 27 loài rùa cạn và rùa nước ngọt), đứng thứ 9 trong tổng số 29 quốc gia có mức độ đa dạng rùa cao nhất thế giới.

Tuy vậy, Việt Nam cũng phải đối mặt với thực trạng là có tới 29 loài (chiếm 90,6%) đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng ở các mức độ khác nhau (từ 50-90%). Làm thế nào để bảo tồn rùa là thách thức đối với Việt Nam trong suốt thời gian dài và rất may mắn, nhờ sự nỗ lực của các tổ chức và cộng đồng người dân mà nhiều loài rùa nguy cấp có cơ hội phục hồi vùng sinh sống.

Chuẩn bị thức ăn cho rùa luôn là công việc được ưu tiên thực hiện sớm nhất vào mỗi buổi sáng tại Trung tâm Bảo tồn rùa Cúc Phương thuộc Vườn Quốc gia Cúc Phương, Nho Quan, Ninh Bình). Do là địa điểm có vai trò cứu hộ cũng như bảo tồn nhiều loài rùa nước ngọt và rùa cạn quí hiếm, nên thực đơn cho rùa được các cán bộ của trung tâm chuẩn bị cũng khá phong phú và đa dạng.

Cho rùa ăn, chăm sóc rùa bệnh, nuôi rùa con hay thậm chí chăm rùa đẻ.... những cán bộ của trung tâm Bảo tồn rùa Cúc Phương có thể đáp ứng đầy đủ những yêu cầu về mặt cứu hộ, chăm sóc và nhân nuôi sinh sản cho các loài rùa nguy cấp. Những quả trứng rùa tuy nhỏ bé nhưng đằng sau chúng lại là một quá trình rất dài để ngăn chặn sự suy giảm nhanh chóng của các loài rùa.

Còn đây là clip ghi lại hành trình của những tình nguyện viên tham gia chương trình Bảo tồn rùa Côn Đảo đợt 1 năm 2023. Vượt qua hàng trăm hồ sơ, 14 TNV đợt 1 này đã được phân bổ về 02 trạm Kiểm lâm là trạm Kiểm lâm Bảy Cạnh và trạm Kiểm lâm Hòn cau để tham gia cùng Kiểm lâm thực hiện công việc theo dõi, di dời an toàn trứng rùa, thả rùa con về biển hay san lấp bãi rùa đẻ trứng; hỗ trợ cải tạo thay mới, gia cố hàng rào ấp trứng rùa, vệ sinh hồ ấp trứng rùa và các tổ rùa sau khi nở. Dù là một chuyến đi với nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất, dù là một chuyến đi mà thời gian thức còn nhiều hơn thời gian ngủ, thế nhưng với mỗi TNV, đây là chuyến đi của kiến thức và của cảm xúc.

Sau chuyến tham gia Tình nguyện viên Bảo tồn rùa biển, chị Huyền lại trở lại với vai trò của một người làm giáo dục. Những kiến thức mà chị thu nạp trong chuyến đi đã được đúc kết trong một cuốn sách xinh xắn về rùa biển cho các bạn nhỏ. Dù có thể các bé chưa hiểu hết được vai trò của đa dạng sinh học trong đời sống nhưng các bé cũng phần nào hiểu được thế giới của một bạn rùa biển đa dạng thế nào. Giúp con người hiểu hơn về thiên nhiên chính là cách tốt nhất để gìn giữ thiên nhiên tươi đẹp của chúng ta.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Anh Thư -

Minh Quốc