Điểm báo 2/11: Quỵt nợ vay tiêu dùng gián tiếp đẩy "tín dụng đen" trỗi dậy

Mạnh tay dẹp nạn “cò mồi” bến xe; Học sinh căng thẳng gia tăng, do đâu?; Quỵt nợ vay tiêu dùng gián tiếp đẩy "tín dụng đen" trỗi dậy; Tăng lương giáo viên để nâng chất lượng giáo dục; ...là những tin có trong điểm báo sáng nay 2/11.

MẠNH TAY DẸP NẠN “CÒ MỒI” BẾN XE

Một trong những thông tin đáng chú ý trên báo Kinh tế và đô thị số ra sáng nay, hiện các bến xe lớn tại Hà Nội đang mạnh tay dẹp nạn“cò mồi”, chèo kéo khách. Tuy nhiên, hiệu quả có bền vững hay không tuỳ thuộc vào quyết tâm của đơn vị quản lý bến xe cũng như sự ủng hộ của người dân và lực lượng chức năng.

Hiện sản lượng xe và khách tại các bến đều sụt giảm nghiêm trọng.  Nhiều chuyên gia cho rằng, Một mình đơn vị quản lý bến xe sẽ không thay đổi được bao nhiêu hiện trạng khó khăn trước mắt của xe khách liên tỉnh. Việc phải cạnh tranh với xe khách “trá hình” trong thế yếu cũng đang khiến chất lượng xe khách liên tỉnh ngày càng đi xuống. Các bến xe lớn được phép hoạt động trên địa bàn Hà Nội chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng bến “cóc” tập kết xe “dù”, xe khách “trá hình” thì mọc lên nhan nhản khắp nơi. Nếu lực lượng chức năng không xử lý được xe khách “trá hình”, xe khách liên tỉnh sẽ ngày càng khó khăn hơn. Hiện tượng “cò mồi” cũng sẽ theo đó diễn biến phức tạp hơn bất chấp mọi nỗ lực của đơn vị quản lý bến xe. 

HỌC SINH CĂNG THẲNG GIA TĂNG, DO ĐÂU?

Trên báo Tiền phong có bài viết, đa số thời gian trong ngày trẻ phải dành cho việc học chính, học thêm, không có thời gian vui chơi, giải trí. Cha mẹ ép con học thêm nhằm thi vào trường chuyên, lớp chọn; một số thầy cô mở lớp học thêm để tăng nguồn thu...

Sức ép từ sự kỳ vọng, bệnh thành tích, để thi đỗ vào những ngôi trường danh tiếng, không ít các phụ huynh chạy ngược xuôi cho con luyện thi ở các trung tâm từ lớp 3, lớp 4. Không chỉ vậy, nhiều phụ huynh có xu hướng học ở trung tâm này một thời gian, lại chuyển trung tâm con em mình khi nghe thấy trung tâm  có thầy nọ cô kia giảng dạy. Hay như những câu chuyện bạo lực học đường cũng khiến nhiều em học sinh căng thẳng mỗi khi đến trường. Nhìn nhận, trước áp lực đổi mới, công việc giáo viên nhiều hơn, chính các thầy cô cũng gặp nhiều vấn đề cần được hỗ trợ tâm lý. Khẳng định công tác tư vấn tâm lý cho học sinh ở nhiều địa phương chưa được chú trọng, Bộ GD&ĐT từng có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sắp xếp vị trí nhân viên phụ trách tư vấn tâm lý tường học theo quy định, đồng thời yêu cầu cầu các trường tăng cường tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông.

QUỴT NỢ VAY TIÊU DÙNG GIÁN TIẾP ĐẨY "TÍN DỤNG ĐEN" TRỖI DẬY

Hệ quả là tín dụng đen bắt đầu trỗi dậy, mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước tích cực triệt phá nhiều ổ nhóm tín dụng đen song diễn biến còn rất phức tạp dưới nhiều hình thức tinh vi nhất là trên môi trường mạng.  Bài viết trên báo Vneconomy.

Các băng nhóm tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng, trong đó có cả những đối tượng là người nước ngoài vào Việt Nam mở công ty và thuê các đối tượng là người Việt Nam để hoạt động "tín dụng đen" trên môi trường không gian mạng với lãi suất lên đến hàng ngàn phần trăm/năm, ẩn dưới nhiều loại phí. 3 phương thức hoạt động chủ yếu thuê các đối tượng có tiền án tiền sự tụ tập ở những cửa hàng, cửa hiệu cầm đồ để dụ dỗ, thu hút người vay. Hoặc tội phạm "tín dụng đen" núp bóng cửa hàng kinh doanh cầm đồ, tư vấn tài chính; mở nhiều cơ sở ở các địa phương khác nhau để cho vay; sử dụng công nghệ cao, các phần mềm để quản lý hệ thống cho vay, từ đó chúng hoạt động cho vay cũng như thu lợi bất chính thông qua tài khoản ngân hàng. Bên cạnh đó, là tạo lập ra các ứng dụng, website nhái tên gọi, giao diện, logo, có địa chỉ truy cập rất giống với ứng dụng của các ngân hàng, tổ chức  tín dụng, công ty tài chính chính thống được cấp phép; từ đó đánh lừa, dụ dỗ, lôi kéo người vay…  

TĂNG LƯƠNG GIÁO VIÊN ĐỂ NÂNG CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC

Sáng nay, trên báo Đại đoàn kết, tính đến hết năm học 2022 - 2023, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là 1.234.124 người, trong đó, công lập chiếm 88,57%, ngoài công lập chiếm 11,43%. Đây sẽ là đối tượng được cải cách tiền lương năm 2024 và đây có thể xem là một tin vui, tín hiệu cho giáo viên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Chính phủ đề xuất 6 nội dung cải cách tiền lương từ 1/7/2024. Nếu chính sách này được thông qua, mức lương giáo viên ở một số bậc sẽ thay đổi. Cụ thể, Cơ cấu tiền lương mới sau cải cách của giáo viên sẽ gồm 3 bộ phận là lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng. Như vậy, so với hiện nay, cơ cấu lương giáo viên khu vực công sẽ được bổ sung thêm tiền thưởng. Đồng thời, việc trả lương của giáo viên là viên chức sẽ không thực hiện theo hệ số x mức lương cơ sở như hiện nay mà được thay thế bằng các bảng lương theo vị trí việc làm, là con số cụ thể, đảm bảo không thấp hơn lương hiện tại.  Để bù trượt giá sau năm 2024, Chính phủ đề xuất tiếp tục điều chỉnh tăng lương cho đến khi mức lương thấp nhất của giáo viên bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng I là 4.680.000 đồng/tháng.

 

Truyền hình Quốc hội Việt Nam