Điểm báo 1/11: Samsung muốn giữ vị thế nhà đầu tư FDI lớn nhất Việt Nam

Samsung muốn giữ vị thế nhà đầu tư FDI lớn nhất Việt Nam; Xét công nhận giáo sư, phó Giáo sư: Đừng để "lộng giả thành chân"; Bộ GD-ĐT biên soạn sách giáo khoa, liệu có quay lại độc quyền?; Đại biểu Quốc hội: Các doanh nghiệp đang thiếu vốn nghiêm trọng... là những tin có trong điểm báo sáng nay 1/11.

SAMSUNG MUỐN GIỮ VỊ THẾ NHÀ ĐẦU TƯ FDI LỚN NHẤT VIỆT NAM

Samsung xác định Việt Nam là cứ điểm toàn cầu quan trọng và mong muốn duy trì vị trí nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam. Bài viết trên báo điện tử VnExpress.

Thông điệp này được ông Park Hark Kyu, Tổng Giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn Samsung nêu khi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều qua (31/10). Theo VnExpress, Samsung đã đầu tư 18 tỷ USD vào Việt Nam và có kế hoạch nâng lên thành 20 tỷ USD. Samsung muốn duy trì vị trí nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam trong 20-30 năm nữa. Thủ tướng cũng đề nghị Samsung tiếp tục mở rộng đầu tư, tiếp tục coi Việt Nam là cứ điểm sản xuất chiến lược, nghiên cứu - phát triển và sản xuất các sản phẩm chủ lực ra thị trường quốc tế.    

XÉT CÔNG NHẬN GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ: ĐỪNG ĐỂ 'LỘNG GIẢ THÀNH CHÂN'

Năm nào xét chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) cũng có điều tiếng, bất bình. Và khi đó, tiêu chuẩn cứng về bài báo quốc tế liên tục đem ra mổ xẻ. “Xét công nhận giáo sư, phó giáo sư: Đừng để 'lộng giả thành chân'”. Đây là tiêu đề bài viết trên báo Tuổi trẻ.

Phải chăng việc xác định tạp chí uy tín còn khó khăn với các hội đồng hay vì sự cả nể, du di từ các hội đồng? Theo báo Tuổi trẻ, giáo sư, phó giáo sư là những chuyên gia không chỉ giỏi chuyên môn, có năng lực khoa học, có nhiều đóng góp cho khoa học, mà còn phải là những người có đạo đức để hướng dẫn thế hệ tiếp sau. Do đó một người gian lận sẽ để lại hậu quả khôn lường khi "sản sinh" ra nhiều F1, F2, F3... Khi sự gian dối được du di, làm ngơ thì sẽ có thêm nhiều "môi trường" để nhân rộng khi họ ngồi đủ loại hội đồng khoa học để đánh giá các thế hệ sau.    

BỘ GD-ĐT BIÊN SOẠN SÁCH GIÁO KHOA, LIỆU CÓ QUAY LẠI ĐỘC QUYỀN?

Một số bài viết đáng chú ý khác có nội dung liên quan đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV. Đề cập tới chương trình đổi mới sách giáo khoa, Đại biểu Quốc hội đặt vấn đề, nếu để Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa thì liệu có quay lại tình trạng độc quyền, đi ngược xu hướng quốc tế hay không? Bài viết trên báo Thanh niên.

Có đại biểu không tán thành, vì việc này không phù hợp với Nghị quyết 122/2020 và Luật Giáo dục năm 2019. Chưa kể, việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa còn không phù hợp với thực tế, khi chủ trương xã hội hóa đã đạt được những kết quả và đang triển khai thuận lợi. Báo Thanh niên cũng trích dẫn một số ý kiến khác cho rằng, với xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, đây là một trong những điểm nhấn và thành công lớn khi triển khai đổi mới

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI: CÁC DOANH NGHIỆP ĐANG THIẾU VỐN NGHIÊM TRỌN

Nhiều tờ báo khác cũng đăng tải thông tin liên quan đến kỳ họp Quốc hội. Thảo luận về vấn đề phát triển kinh tế xã hội, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, thiếu vốn trầm trọng. Bài viết trên báo Kinh tế & Đô thị.

Nêu thực tế tại địa phương, đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) cho biết, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ và đồng hành, tuy nhiên áp lực về thuế, biến động giá cả, khả năng tiếp cận vốn… đã tạo thành những thách thức lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo đại biểu, cần thiết kế gói tín dụng phục vụ cho sản xuất kinh doanh, thông qua việc tiếp tục hạ lãi suất và nới lỏng các điều kiện cho vay vốn.     

Thùy Trang