Điểm báo 3/3: Vụ thao túng thị trường chứng khoán của FLC có sơ hở trong quản lý Nhà nước

Vụ thao túng thị trường Chứng khoán của FLC: Có sơ hở trong quản lý nhà nước; Bộ Công an cảnh báo tổ chức, cá nhân có ý định thao túng chứng khoán; Tuyển sinh đại học 2025: Thay đổi để thích ứng; Bất động sản 'ế' vì nhiều nghịch lý,... là những tin có trong điểm báo sáng nay 3/3.

VỤ THAO TÚNG THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN CỦA FLC: CÓ SƠ HỞ TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
 
Vụ án FLC đã làm nóng họp báo Chính phủ thường kỳ chiều hôm qua 2/3. Nhiều tờ báo đã bình luận về vụ việc này. Báo điện tử VTV đề cập, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, các vi phạm tại FLC được thể hiện đầu tiên thông qua hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo báo điện tử VTV, Người phát ngôn Bộ Công an cho hay, cơ quan điều tra thấy rằng, trong sự việc này rõ ràng có những sơ hở thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước và một số quy định pháp luật. Theo đó, cơ quan chức năng thiếu kiểm tra giám sát hoạt động góp vốn tại các doanh nghiệp tổ chức cá nhân, thiếu kiểm soát việc mở tài khoản chứng khoán. Sự việc gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về hiện tượng thao túng thị trường.

BỘ CÔNG AN CẢNH BÁO TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CÓ Ý ĐỊNH THAO TÚNG CHỨNG KHOÁN

Một trong những nguyên nhân dẫn đến các hành vi thao túng thị trường là do chế tài xử lý còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe với các đối tượng vi phạm. Cũng liên quan đến vấn đề này, báo điện tử VOV có bài viết "Bộ Công an cảnh báo tổ chức, cá nhân có ý định thao túng chứng khoán". 

Theo VOV, Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh, có tình trạng một số đối tượng lợi dụng hội nhóm kín để hô hào lôi kéo nhà đầu tư, điều khiển và thao túng thị trường. Qua các vụ án đã triệt phá, cơ quan công an gửi thông điệp: "Nếu còn cá nhân, tổ chức nào tiếp tục có thủ đoạn thao túng thủ đoạn thị trường chứng khoán, chắc chắn cơ quan điều tra sẽ sớm mời về sinh hoạt trong một không gian hẹp, để thị trường chứng khoán hoạt động lành mạnh".

TUYỂN SINH ĐẠI HỌC 2025: THAY ĐỔI ĐỂ THÍCH ỨNG

Từ năm 2025, nhiều trường đại học dự kiến điều chỉnh phương án
tuyển sinh để phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bài viết trên báo Đại đoàn kết. 

Từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT có 4 môn thi, gồm 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn cùng 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12. Trước thay đổi này, nhiều cơ sở giáo dục đại học cho biết sẽ có phương án để điều chỉnh công tác tuyển sinh. Một số trường sẽ xét tuyển theo phương thức kết hợp học bạ và điểm thi đánh giá năng lực. Theo đại đoàn kết, Giảm dần sự phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT không phải là xu hướng mới, những mùa tuyển sinh gần đây, các trường đã áp dụng nhiều phương án tuyển sinh. Cụ thể, mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng kết có hơn 20 phương thức xét tuyển. Với xu hướng tự chủ tuyển sinh, các trường chủ động lựa chọn các phương án thi và xét tuyển riêng để chọn được thí sinh phù hợp.

BẤT ĐỘNG SẢN 'Ế' VÌ NHIỀU NGHỊCH LÝ

Thị trường bất động sản vừa trải qua một năm vô vàn khó khăn ở nhiều phân khúc. Trong đó thị trường nhà ở đối diện với không ít thách thức về nguồn cung, thanh khoản. “Bất động sản “ế” vì nhiều nghịch lý”. Đây là tiêu đề bài viết trên báo Tiền phong.

Theo báo Tiền phong, tình trạng thiếu nhà giá rẻ, thừa nhà cao cấp là một trong những nguyên nhân khiến bất động sản “ế”. Trái ngược với kỳ vọng bất động sản giảm giá mạnh trong năm 2023, mặt bằng chung thị trường tăng nhẹ 6% so với đầu năm. Dữ liệu của Savills cho thấy, cứ 100 căn hộ mới được bán tại Hà Nội trong năm 2023, chỉ có ba căn có giá dưới hai tỷ đồng. Tình trạng này có thể tiếp tục thách thức thị trường nhà ở 2024 do nguồn cung khó được khơi thông trong ngắn hạn. Chuyên gia cảnh báo giá nhà liên tục tăng, vượt qua khả năng chi trả của phần đông người dân có thể để lại những hệ lụy xấu cho thị trường.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam