Điểm báo ngày 25/10: Doanh nghiệp nhà nước thua lỗ nhưng lãnh đạo lương rất cao

Doanh nghiệp nhà nước thua lỗ nhưng lãnh đạo lương rất cao; Bí thư thành ủy Hà Nội: Nhiều bất động sản "nằm im" hàng chục năm, gây bức xúc; Đào tạo nhân lực của việt nam đang ngược chuẩn thế giới; ‘Sạn’ trong sách giáo khoa: qua nhiều vòng thẩm định, vẫn gây tranh cãi;...Là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 25/10.

DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THUA LỖ NHƯNG LÃNH ĐẠO LƯƠNG RẤT CAO (VNXPRESS)

Cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp nhà nước để khắc phục tình trạng đơn vị thua lỗ, công nhân không thu nhập nhưng lãnh đạo lương rất cao. Bài viết trên báo điện tử Vnxpress.

Bài viết trích dẫn ý kiến  Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung trong phiên thảo luận kinh tế xã hội cho biết  Nguyên nhân của bất cập này là người quản lý doanh nghiệp nhà nước đang được áp dụng bảng lương khác với lao động. Vì vậy, phải cải cách để người quản lý cùng hưởng lương như lao động, lợi nhuận cao thì cùng hưởng cao. Bộ trưởng Dung cho hay, hiện Nhà nước không can thiệp vào thang bảng lương của doanh nghiệp, để họ tự ban hành, đảm bảo không thấp hơn mức lương tối thiểu. Thang bảng lương ba năm tăng một lần dẫn đến "bà tạp vụ có khi lương cao hơn kỹ sư mới ra trường".

BÍ THƯ THÀNH ỦY HÀ NỘI: NHIỀU BẤT ĐỘNG SẢN "NẰM IM" HÀNG CHỤC NĂM, GÂY BỨC XÚC (VOV)

Nếu tháo gỡ được những khó khăn cho thị trường bất động sản thì những vấn đề khác sẽ được khơi thông như thị trường vật liệu xây dựng, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động.

Bài viết trên báo điện tử VOV trích dẫn ý kiến của Bí Thư thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, tín dụng đang rất khó khăn, ngân hàng thừa thanh khoản, doanh nghiệp thiếu tiền do không tiếp cận được, nếu tháo gỡ được vấn đề này này sẽ kích thích sản xuất, trong khi lạm phát đang thấp so với kế hoạch. Bí Thư thành ủy Hà Nội cũng cho biết, Hà Nội có 712 dự án chậm triển khai lâu năm và mới đây đã xử lý hủy được hơn 100 dự án. Nhiều dự án nằm đấy cả chục năm, 20 năm rồi khiến người dân bức xúc, là điểm nóng về mất an ninh trật tự. Quốc hội nên sớm có chỉ đạo, chủ trương rà soát tổng thể, ban hành nghị quyết để giải quyết những khó khăn cho lĩnh vực bất động sản.

ĐÀO TẠO NHÂN LỰC CỦA VIỆT NAM ĐANG NGƯỢC CHUẨN THẾ GIỚI? (TUỔI TRẺ)

Tại các nước phát triển, cơ cấu nhân lực chuẩn sẽ theo hình chóp, cứ 1 người học đại học sẽ có 2-3 người học cao đẳng, 3-5 người học trung cấp, nhưng Việt Nam thì ngược lại. Trên báo Tuổi trẻ có bài viết:  Đào tạo nhân lực của Việt Nam đang ngược chuẩn thế giới?   

Hiện nay, lực lượng lao động của Việt Nam tập trung chủ yếu ở trình độ đại học trở lên, khoảng 10,9%, cao đẳng khoảng 3,7%, trung cấp 4,3%, sơ cấp 4,7%. Điều này dẫn đến thực trạng một số lĩnh vực, một số ngành bị thừa nhân lực, nhưng nhân lực có trình độ cao, đặc biệt những ngành cần nhân lực tham gia sản xuất trực tiếp lại đang bị thiếu trầm trọng.  Đơn cử như ngành logistics, hiện tại Việt Nam số lượng đào tạo rất ít. Trong khi đây đang là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam; được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu.

‘SẠN’ TRONG SÁCH GIÁO KHOA: QUA NHIỀU VÒNG THẨM ĐỊNH, VẪN GÂY TRANH CÃI (ĐẠI ĐOÀN KẾT)

Sạn” trong sách giáo khoa được nhắc tới nhiều trong 3 năm qua kể từ khi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai. Trên báo đại đoàn kết có bài viết về nội dung này.

Theo bài viết, Dù qua nhiều vòng thẩm định, sau cùng mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt nhưng chỉ đến khi SGK đi vào giảng dạy, những “hạt sạn” không đáng có mới được dư luận, phụ huynh phát hiện ra.  Một chuyên gia giáo dục cho rằng, khó có thể tạm dừng dạy học sinh những tác phẩm văn chương gây tranh cãi khi tác phẩm đó đã đưa vào sách giáo khoa. Vị chuyên gia này cũng bày tỏ sự thông cảm với những người biên soạn sách giáo khoa nhưng theo quan điểm của ông, nếu làm theo cách biên soạn mở thì sách giáo khoa có thể khắc phục được những hạn chế. 

Truyền hình Quốc hội Việt Nam