Giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản

Chiều 24/4, tại nhà Quốc hội, Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” đã họp phiên thứ 2 dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Đoàn giám sát. Cùng chủ trì có Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đến nay, Đoàn giám sát đã nhận được 190 báo cáo của các đối tượng giám sát, các cơ quan, tổ chức liên quan. Còn Chính phủ và 2 địa phương là Đà Nẵng, Bình Dương chưa có báo cáo. Tại cuộc họp này, Đoàn sẽ tập trung xem xét, cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp sơ bộ và báo cáo của các đối tượng giám sát, báo cáo của cơ quan có liên quan, báo cáo kết quả của các Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và những vấn đề cần quan tâm trước khi làm việc với Bộ, ngành, địa phương.

Theo báo cáo ban đầu, về quản lý thị trường bất động sản, giai đoạn 2015-2023, đối với bất động sản nhà ở, nguồn cung trên thị trường chủ yếu thuộc phân khúc trung, cao với mức giá chưa phù hợp với đa số người dân có nhu cầu nhà ở thực. Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chỉ chú trọng đầu tư phát triển phân khúc nhà ở thương mại cao cấp, để bán cho đối tượng người thu nhập cao, nhằm thu hồi vốn nhanh, tỷ suất sinh lời cao. Các giao dịch chủ yếu mang tính đầu cơ, đầu tư. Về giá giao dịch bất động sản, từ quý 2 năm 2022 đến nay, hầu hết các phân khúc đều chững, riêng giá căn hộ chung cư tiếp tục tăng. Tính đến cuối năm 2023 thị trường gần như không có dự án chung cư thuộc phân khúc bình dân, giá dưới 25triệu đồng/m2.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Dương Dung -

Hằng Nga