Luật Viễn thông sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng nay, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi).

Với 468/473 đại biểu tán thành, chiếm 94,74%, Luật Viễn thông (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với 10 Chương, 73 Điều. Luật Viễn thông (sửa đổi) đã bổ sung các quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông, người sử dụng dịch vụ viễn thông trong việc quản lý thông tin thuê bao, ngăn chặn, xử lý SIM không đúng thông tin thuê bao, cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn, cuộc gọi lừa đảo cụ thể. Đồng thời, để tăng cường các biện pháp ngăn chặn cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn, cuộc gọi lừa đảo, Luật đã bổ sung quy định hành vi cấm sử dụng thiết bị, phần mềm xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông công cộng.

Đồng thời quy định việc nộp phí duy trì sử dụng tài nguyên Internet; lệ phí phân bổ, cấp tài nguyên Internet theo đúng Luật Phí và lệ phí, Luật Quản lý thuế. Về quản lý hoạt động viễn thông công ích, Luật giao Chính phủ quy định cụ thể việc miễn, giảm đóng góp vào Quỹ, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung nguồn lực để “khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác cho chuyển đổi số quốc gia” theo chủ trương của Đảng. Luật Viễn thông (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Riêng đối với các dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, thời gian hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2025.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam