Mong chờ các giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn nữa trong lĩnh vực nông nghiệp

Phát biểu thảo luận tại hội trường về Báo cáo kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri sáng 20/11, đại biểu Chu Thị Hồng Thái, đoàn Lạng Sơn đánh giá cao báo cáo giải quyết kiến nghị của cử tri và việc Quốc hội tiếp tục đưa ra thảo luận nội dung này tại Kỳ họp thứ 6, thể hiện sự gắn bó, mật thiết giữa Quốc hội với cử tri và nhân dân, luôn đồng hành cùng Nhân dân. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, nhiều văn bản trả lời của bộ, ngành với kiến nghị cử tri chưa nêu được các giải pháp cụ thể.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng còn có những văn bản của một số Bộ ngành, với mong muốn trong thời gian tới Bộ, ngành sẽ có các giải pháp cụ thể và quyết liệt thực hiện như thế nào để giải quyết vấn đề cử tri kiến nghị, tuy nhiên chỉ nhận được câu trả lời về các giải pháp đã thực hiện.

Lấy ví dụ về việc trả lời kiến nghị của cử tri Thành phố Lạng Sơn gửi tới sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khoá XV về tình trạng lạm dụng hoá chất trong việc bảo quản rau, củ, quả và đề nghị cần có chế tài xử phạt nặng đối với các tập thể, cá nhân vi phạm. Nhưng khi trả lời, Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ nêu đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái gửi tới Hội trường một số kiến nghị của cử tri như về việc đề nghị có cơ chế, chính sách để giảm giá nguyên nhiên liệu, vật liệu, vật tư nông nghiệp. Chi phí sản xuất ngày càng tăng cao trong khi tiêu thụ các sản phẩm gặp khó khăn, nhiều các sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được, ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân, kiến nghị này đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT trả lời, cơ bản cử tri cũng thống nhất với trả lời của Bộ, tuy nhiên, cử tri vẫn còn băn khoăn về các giải pháp mà Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thực hiện chưa thực sự giải quyết được vấn đề căn cơ đó là tình trạng nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi vẫn cao, vẫn phải phụ thuộc nhiều vào nước ngoài. Do vậy tiếp tục kiến nghị Chính phủ có có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa. 

Theo Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, cử tri tiếp tục kiến nghị Chính phủ xem xét, hỗ trợ kinh phí đo đạc, kiểm đếm để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với các tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn, các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập, đời sống của nhân dân còn khó khăn nên đến nay còn rất nhiều hộ chưa có giấy chứng nhận quyền sủ dụng đất, điều này là một trong các nguyên nhân gây ra việc tranh chấp đất đai và người dân không có tài sản thế chấp để thực hiện các giao dịch với ngân hàng khi cần vốn để phát triển  sản xuất kinh doanh.

Qua tiếp xúc cử tri, nhiều cử tri phản ánh, các tuyến đường giao thông tỉnh lộ, đường liên xã bị xuống cấp cần tu sửa, nâng cấp; nhiều nơi cần có cầu dân sinh qua sông, suối, ngầm tràn để phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân, đây là các công trình thuộc thẩm quyền giải quyết của xã, huyện, tỉnh. Tuy nhiên, các tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn không cân đối được kinh phí để thực hiện cùng lúc, do vậy phải lựa chọn địa bàn, khu vực trọng điểm, ưu tiên nên có nơi phải chờ rất lâu mới đến lượt làm lỡ cơ hội phát triển, rất mong Quốc hội, Chính phủ xem xét tăng cường phân bổ kinh phí đầu tư để tỉnh có nguồn lực xây dựng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số