Nghiên cứu sửa đổi Luật Di sản văn hóa

Sáng 8/8 tại Hải Dương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức hội nghị chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa”. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Di sản văn hóa là lĩnh vực chuyên ngành có hệ thống văn bản pháp lý hoàn chỉnh sớm nhất trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Tuy nhiên, sau 22 năm thi hành, luật đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn; nhiều quy định thiếu cụ thể; nhiều vấn đề mới phát sinh chưa có quy định điều chỉnh gây khó khăn cho công tác quản lý và ảnh hưởng đến hiệu quả bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Tại hội nghị, các ý kiến tập trung trao đổi một số nội dung cần quan tâm khi sửa đổi Luật Di sản văn hóa, như: quy định về thẩm quyền, trình tự thủ tục thẩm định dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ của di tích. Nghiên cứu quy định phân cấp trách nhiệm cho địa phương tiếp nhận và quản lý di vật, cổ vật thu được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ. Quy định về “chế độ đặc biệt” đối với việc bảo vệ và bảo quản bảo vật quốc gia; quy định rõ quyền sở hữu, quyền thừa kế và các quy định mua, bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; quy định về điều kiện đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài có thời hạn để trưng bày, nghiên cứu, bảo quản. Hoàn thiện quy định về quy hoạch, xếp hạng bảo tàng, về chức năng của bảo tàng….

Dự kiến, Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trong kỳ họp thứ bảy (tháng 5/2024) và thông qua vào kỳ họp thứ tám (tháng 10/2024). 

Mời quý vị theo dõi thông tin chi tiết! 

Phan Hằng -

Sỹ Cường