Nông nghiệp Việt Nam: Để OCOP đem lại giá trị bền vững

Có thể thấy những năm qua, thị trường sản phẩm OCOP tiếp tục tăng quy mô và chất lượng sản phẩm. Hàng năm, tại mỗi địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP mang đặc trưng riêng. Đây là một trong những hoạt động đưa nông sản Việt đến gần hơn với người dân.

Hiện cả nước có hơn 10.000 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 66,9% sản phẩm 3 sao, 32,2% sản phẩm 4 sao, 0,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao. 

Đã có hơn 5.300 chủ thể OCOP, trong đó có 38,5% là HTX, 24,4% là doanh nghiệp, còn lại là cơ sở sản xuất, tổ hợp tác. 

Các địa phương đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP, điển hình như: vùng Đồng bằng sông Hồng, chiếm 31,36% tổng sản phẩm OCOP cả nước. Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường.

Có thể thấy cùng với xây dựng nông thôn mới, việc phát triển mỗi xã một sản phẩm cũng được các địa phương chú trọng. Thế nhưng số lượng liệu có đi đôi với giá trị. Bắt nguồn đầu tiên từ vài sản phẩm của tỉnh Quảng Ninh, đến nay Chương trình Mỗi xã một sản phẩm – OCOP đã bước sang giai đoạn 2 với gần 10 nghìn sản phẩm đã được đánh giá phân hạng từ 3 sao trở lên. Đáng nói là thị trường sản phẩm OCOP ngày càng đại trà hơn, không chỉ có nhóm sản vật đặc sản địa phương mà hầu như nông sản nào cũng gắn mác OCOP khiến người tiêu dùng không còn thấy hấp dẫn, thậm chí nghi ngại về chất lượng.

Không chỉ đại trà OCOP, hiện không ít sản phẩm sau khi được công nhận chất lượng OCOP vẫn chưa tìm được chỗ đứng trên thị trường bởi sức tiêu thụ còn thấp. 

Các chuyên gia OCOP nhấn mạnh, giai đoạn 2 của chương trình mỗi xã một sản phẩm đang đi đúng hướng và tiếp tục khuyến khích tăng thêm sản phẩm OCOP mới. Với đà này, có thể tới đây bất cứ nông sản nào cũng có sản phẩm OCOP. 

Hà Lan