Tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp

Nhìn về cả chặng đường phát triển chính sách BH thất nghiệp cho thấy bảo hiểm thất nghiệp có vai trò to lớn đối với cả xã hội. Chính sách này ngày càng được hoàn thiện theo hướng bền vững hơn, từ chủ yếu là trợ cấp cho người lao động bị thất nghiệp, sang tập trung vào các biện pháp phòng ngừa thất nghiệp và hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động. Tuy nhiên trên thực tế, chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn một số khó khăn, vướng mắc để cho bảo hiểm thất nghiệp phát huy hiệu quả của nó như đúng mong đợi.

Theo quy định đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng, cán bộ, công chức và mức tiền lương tối đa làm căn cứ đóng giữa BHXH bắt buộc và BHTN không đồng nhất dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý đối tượng tham gia và theo dõi thu BHXH, BHTN đối với đơn vị sử dụng lao động. Bên cạnh đó, điều kiện hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp còn chưa chặt chẽ,quy định về việc thực hiện chế độ tư vấn, giới thiệu việc làm còn chưa cụ thể, dẫn đến việc thực hiện còn mang tính hình thức.

Để tránh lợi dụng chính sách và để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ và ngwoif sử dụng lao động hơn nữa, đã có các đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách BH thất nghiệp như mở rộng diện bao phủ; xây dựng sàn giao dịch việc làm trực tuyến; đổi mới hoạt động đào tạo nghề; Sửa đổi thời gian quy định hưởng và chi trả trợ cấp thất nghiệp.

Hoàn thiện chính sách và tổ chức thực hiện BH thất nghiệp là nội dung có ý nghĩa quan trọng đối với ngành BHXH Việt Nam cũng như là chính sách được Chính phủ, nhân dân và DN trong cả nước đặc biệt quan tâm trong thời gian qua, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi dịch Covid-19 đã và đang tác động sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của DN, khiến nhiều NLĐ mất việc làm.

Nguyễn Nga