Điểm báo: Để bất động sản bớt “dựa dẫm” vốn ngân hàng

Để bất động sản bớt “dựa dẫm” vốn ngân hàng; Chặn đa cấp biến tướng; Dự báo rút bảo hiểm xã hội 1 lần sẽ tiếp tục tăng; Tìm cách thích ứng với yêu cầu sản xuất xanh;...Là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 12/1.

ĐỂ BẤT ĐỘNG SẢN BỚT “DỰA DẪM” VỐN NGÂN HÀNG (KINH TẾ & ĐÔ THỊ)

Trong cơ cấu vốn của các doanh nghiệp bất động sản, tỷ trọng nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp và tín dụng ngân hàng biến động mạnh theo chiều hướng doanh nghiệp ngày càng lệ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Thông tin đăng tải trên báo Kinh tế và đô thị số ra sáng nay.

Năm 2023, tín dụng ngân hàng chiếm 54% tổng nguồn vốn của DN bất động sản. Trái phiếu doanh nghiệp có sự phục hồi trở lại và chiếm 26%, vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 10%... do đó các chuyên gia cho rằng cần có cấu trúc vốn bền vững hơn cho các doanh nghiệp bất động sản theo hướng giảm tỷ trọng vốn vay ngân hàng, tăng tỷ trọng nguồn vốn khác, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp và vốn đầu tư nước ngoài.  Các chuyên gia kỳ vọng, năm 2024, cho vay mua nhà sẽ dẫn dắt tăng trưởng tín dụng bán lẻ khi lãi suất hạ nhiệt và thị trường bất động sản dần hồi phục từ quý II/2024 nhờ nhu cầu mua nhà để ở thực vẫn ở mức cao, một phần nhu cầu đầu tư tài sản tăng trở lại. Dự báo tín dụng bất động sản và xây dựng tiếp tục tăng nhanh, tuy nhiên một phần tín dụng được giải ngân cho các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về tài chính với mục đích tái cấu trúc nợ, đây sẽ là yếu tố cần theo dõi trong thời gian tới.

CHẶN ĐA CẤP BIẾN TƯỚNG (ĐẠI ĐOÀN KẾT)

Hiện tượng lợi dụng lòng tin của người tham gia đa cấp để lừa đảo đã liên tục diễn ra gây tác hại lớn cho nền kinh tế và bức xúc trong nhân dân. Thông tin đăng tải trên báo Đại đoàn kết.

Hiện cả nước có 20 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bắt buộc phải có giấy phép hoạt động do Bộ Công thương cấp. Như vậy, tất cả các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp mà chưa được Bộ Công thương cấp phép đều là hoạt động bất hợp pháp. 2 hình thức bán hàng đa cấp bất hợp pháp chủ yếu là trả thưởng theo mô hình đa cấp và có giấy phép bán hàng đa cấp nhưng hoạt động bất chính. Cả hai hình thức này đều có sự khác nhau nhất định về quy mô, cách vận hành, tuy nhiên đều có một số điểm chung như: yêu cầu trả tiền cho việc tuyển dụng, nói quá về cơ hội làm giàu hoặc công dụng sản phẩm, phải đặt cọc tiền khi tham gia. Đây là các dấu hiệu tiêu biểu mà mỗi cá nhân cần cảnh giác để không rơi vào "bẫy đã cấp".

DỰ BÁO RÚT BẢO HIỂM XÃ HỘI 1 LẦN SẼ TIẾP TỤC TĂNG (BÁO VOV)  

Lao động rút bảo hiểm một lần (BHXH) dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong năm năm 2024, do một số ngành sản xuất khó khăn đơn hàng, nhiều người mất việc.

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước giải quyết cho hơn 947.000 người hưởng BHXH một lần, tăng 31,38%, chiếm khoảng 5% tổng số người tham gia. Điều này gây nên tình trạng quá tải cục bộ trong một số thời điểm tại những địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp. Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, dự báo năm 2024, nhiều doanh nghiệp chưa thoát khỏi khó khăn, tiếp tục cắt giảm lao động. Vì vậy, dự báo số lượng người lao động làm thủ tục hưởng chế độ BHXH một lần sẽ tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH trên một số địa bàn vẫn là vấn đề khiến các cơ quan quản lý trăn trở. 

TÌM CÁCH THÍCH ỨNG VỚI YÊU CẦU SẢN XUẤT XANH (BÁO ĐẦU TƯ)  

Doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều thách thức để đáp ứng các quy định mới, tiêu chuẩn cao và ngày càng khắt khe về chất lượng hàng hóa, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững của EU.

Theo quy định mới về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), các nhà xuất khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu, nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của EU, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải mua “chứng chỉ khí thải” theo mức giá carbon hiện nay tại EU. Theo nhiều doanh nghiệp, chi phí mua tín chỉ carbon sẽ làm tăng giá thành sản xuất, giảm sức cạnh tranh. Trong khi đó, hoạt động đầu tư ban đầu quá lớn, cùng với các cơ chế về tín chỉ carbon chưa rõ ràng. Vì vậy, rất cần giải pháp từ các cơ quan, ban ngành, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện quy định mua bán tín chỉ carbon nói riêng và đáp ứng các yêu cầu về xanh hóa nói chung. 

Truyền hình Quốc hội Việt Nam