Rồng trong quan niệm các nước trên thế giới

Tết Nguyên đán là ngày lễ đặc biệt, chứa đựng sự đoàn viên, chào đón năm mới khởi sắc và thuận lợi hơn, vạn sự như ý. Và tất cả những khát vọng này càng được gửi gắm mạnh mẽ hơn vào năm 2024, năm Rồng. Rồng – sinh vật vốn chỉ tồn tại trong trí tượng tưởng của con người – xuất hiện trong văn hóa của cả phương Tây lẫn phương Đông. Tuy nhiên, ở mỗi nền văn hóa, rồng lại mang những ý nghĩa khác nhau.

Rồng từ lâu đã xuất hiện trong các truyền thuyết của người Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước trong khu vực Đông Á. Được xem là vua của tạo sinh động vật, nên rồng còn là biểu tượng của điềm lành, sự may mắn và tốt đẹp đối với người phương Đông.

Từ xa xưa, rồng là một thần thú trong thần thoại Trung Quốc, giỏi biến hóa, có thể hô mưa gọi gió, có lợi cho vạn vật, là nguồn nước tưới cho ruộng đồng tốt tươi, đem đến những vụ mùa bội thu cho con người. Rồng cũng là một biểu tượng của địa vị cao quý và ý nghĩa phong phú.

Rồng trong tâm niệm của người Hàn Quốc là biểu tượng của sức mạnh tâm linh, của may mắn, giàu sang và hạnh phúc. Trong những ngôi chùa, ngoài nhiệm vụ bảo vệ ngôi tam bảo, rồng còn đem lại sự bình yên, giàu có và thịnh vượng cho con người.

Tương tự như vậy, rồng của người Ấn Độ, Malaysia, Indonesia là những vị thần của tự nhiên, có bản chất nhân từ, thường gắn liền với những ngọn núi, khu rừng thiêng hay những vùng biển nhất định. Rồng ở Nhật Bản, thậm chí, còn có thể biến ước mơ của con người thành hiện thực.

Trong khi đó, trong nền văn hóa châu Âu cổ đại, rồng thường được miêu tả là sinh vật độc ác canh giữ những kho báu ẩn giấu. Rồng đại diện cho sự hỗn loạn và hủy diệt, do đó cần tới những hiệp sĩ, anh hùng thực hiện các nhiệm vụ tiêu diệt chúng. Rồng trong văn hóa dân gian châu Âu là hiện thân của sự quái dị, từ đó làm nổi bật hành trình chinh phục nỗi sợ hãi và vượt qua thử thách của người hiệp sĩ. Chẳng hạn, trong văn hóa Scandinavia, rồng thường tượng trưng cho sự khủng bố, hủy diệt và tham lam. Một con rồng Scandinavia nổi tiếng là Fafnir, có móng vuốt, cánh và vảy cong, sắc nhọn mà vũ khí thông thường không thể xuyên qua. Nó có thể thở ra lửa.

Mặc dù vậy, ở nhiều nơi tại châu Âu, rồng lại mang ý nghĩa tích cực hơn. Chẳng hạn như Rồng đỏ của xứ Wales, Vương quốc Anh. Trong văn hóa xứ Wales, rồng đỏ là biểu tượng của sự chiến thắng và lòng dũng cảm. Vào thế kỷ 12, truyền thuyết về vua Arthur có nhắc tới 2 con rồng khổng lồ màu đỏ và trắng. Màu đỏ đại diện cho người Celt xứ Wales, trong khi màu trắng đại diện cho người Saxon ở vùng England. 2 con rồng đã giao chiến và cuối cùng rồng đỏ chiến thắng.

Có thể nói hình tượng con rồng của người phương Đông cũng như của châu Âu cổ đại đều góp phần thúc đẩy xã hội, giúp con người nhận thức và khám phá thế giới.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Q.T