Thoát nghèo bền vững từ giống lúa đặc sản

Với thế mạnh đất đai rộng lớn và điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc hữu, những năm gần đây, nhiều địa phương tại Tây Nguyên đã khuyến khích người dân từng bước mở rộng sản xuất, liên kết xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh những sản phẩm lợi thế như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng…, đồng bào dân tộc thiểu số đang chủ động liên kết sản xuất và xây dựng thương hiệu cho những giống lúa, gạo đặc sản không chỉ vì mục tiêu thoát nghèo bền vững mà còn vươn xa ra thị trường .

Nhiều hộ đồng bào dân tộc Thái như bà Nông Thị Sanh, khi di cư vào Tây Nguyên sinh sống mang theo những giống lúa đặc sản, nhưng vì nhiều nguyên nhân đã bị thoái hoá theo thời gian. Được hợp tác xã vận động, liên kết, 4 năm trước, bà con đã khôi phục lại các giống đặc sản Khẩu Xiên Lăm, Briết và theo hướng hữu cơ.

Cùng với những giống lúa địa phương đã có mặt từ rất lâu, giống lúa mới ST25 cho gạo ngon nhất thế giới đang dần bám chặt rễ trên những cánh đồng huyện vùng sâu Tu Mơ Rông, Kon Tum, mở ra cơ hội cho hàng trăm hộ đồng bào Xơ Đăng sản xuất gạo đặc sản cung ứng cho thị trường với giá trị cao.

Không chỉ làm ra hạt gạo sạch, chất lượng, các hợp tác xã với đa số thành viên là đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây nguyên đã chủ động liên kết tạo ra các sản phẩm chế biến sâu từ gạo đặc sản; áp dụng công nghệ chuyển đổi số để sản phẩm vươn xa ra thị trường.

Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã biến những vùng đất khô cằn, vùng sâu vùng xa thành nơi lợi thế về sản xuất lúa đặc sản và dần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình. Từ mục đích thoát nghèo, bà con đang xây dựng mục tiêu xuất khẩu./. 

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Djuang Niê -

Đình Đại