Việt Nam điểm báo: Việt Nam được Anh công nhận là một nền kinh tế thị trường

Việt Nam được anh công nhận là một nền kinh tế thị trường; Việt Nam thúc đẩy khai thác đất hiếm; Thanh toán trực tuyến bùng nổ ở Việt Nam; Việt Nam đẩy mạnh phát triển xe máy điện... là những tin tức về Việt Nam được quốc tế đăng tải tuần qua.

VIỆT NAM ĐƯỢC ANH CÔNG NHẬN LÀ MỘT NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

Tờ The Star của Malaysia mới đăng tải bài viết có tiêu đề “Anh công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường” và Việt Nam cần phải tận dụng sự bùng nổ trong hoạt động sản xuất để phát triển bền vững. 

Bài viết dẫn khẳng định của Bộ Công Thương Việt Nam về việc Anh sẽ công nhận các ngành sản xuất của Việt Nam hoạt động theo điều kiện kinh tế thị trường, không áp đặt các quy định bất lợi nếu có điều tra phòng vệ thương mại. Khi được công nhận là nền kinh tế thị trường, hàng hóa Việt Nam sẽ được đối xử công bằng hơn và các nhà xuất khẩu sẽ tiếp cận nhiều hơn với các thị trường khác. Quyết định được Anh đưa ra sau khi nước này chính thức gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào tuần trước. Đến nay, Việt Nam đã được 71 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận là nền kinh tế thị trường, bao gồm nhiều đối tác thương mại quan trọng, thông qua nhiều hình thức khác nhau.

VIỆT NAM THÚC ĐẨY KHAI THÁC ĐẤT HIẾM

Việt Nam sẽ đẩy mạnh tìm kiếm công nghệ, thị trường khai thác gắn với chế biến sâu đất hiếm, dự tính tổng sản lượng đạt hơn 2 triệu tấn quặng mỗi năm. Đây là thông tin được đăng tải trên trang Channel News Asia.

Bài viết cho biết, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phê duyệt quyết định cho phép khai thác đất hiếm tại 9 mỏ ở các tỉnh Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái. Sau năm 2030, Việt Nam sẽ phát triển thêm 3- 4 mỏ mới nhằm nâng sản lượng đất hiếm thô lên 2,11 triệu tấn vào năm 2050. Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ đầu tư vào các cơ sở khai thác đất hiếm riêng rẽ với mục tiêu đến năm 2030 đạt 20.000-60.000 tấn/năm và đến năm 2050 đạt 40.000-80.000 tấn.

Đất hiếm được xem là khoáng sản chiến lược, có giá trị và đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực như điện tử, kỹ thuật nguyên tử hay chế tạo máy. Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) cho hay, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới, ước tính khoảng 22 triệu tấn - chỉ đứng sau Trung Quốc.

THANH TOÁN TRỰC TUYẾN BÙNG NỔ Ở VIỆT NAM

Việt Nam luôn biết cách tìm kiếm và nắm bắt cơ hội thành công trong bối cảnh nhiều thách thức của khu vực và thế giới. Đó là nhận định của một bài viết trên trang Fagen Wasanni khi đánh giá việc các nền tảng thanh toán trực tuyến phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua tại Việt Nam.

Theo trang tin Fagen Wasanni, việc đại dịch Covid-19 bùng phát đã dẫn đến sự gia tăng các hoạt động trực tuyến, từ làm việc từ xa, nhu cầu mua sắm trực tuyến đến giải trí kỹ thuật số và học trực tuyến. Do đó, nhu cầu về các giải pháp thanh toán trực tuyến tăng vọt. Các nền tảng thanh toán di động hàng đầu của Việt Nam đã thể hiện khả năng thích ứng, tận dụng tình hình này để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và thúc đẩy giao dịch không dùng tiền mặt. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, số lượng giao dịch tiền di động trong cả nước đã tăng hơn 200%. Việc thanh toán trực tuyến phát triển cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện, khi người dân ở vùng sâu, vùng xa giờ đây có thể tham gia vào nền kinh tế số.

VIỆT NAM ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN XE MÁY ĐIỆN

Trang Cleantechnica đã có bài phân tích đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc phát triển xe điện 2 bánh. Việt Nam dẫn đầu khu vực ASEAN về điện khí hóa xe hai bánh và đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc

Bài phân tích đã trích dẫn Một báo cáo tóm tắt của Hội đồng Quốc tế về Giao thông sạch (ICCT) nêu bật con đường dài và gập ghềnh mà Việt Nam phải vượt qua để đạt được thành tựu này. Năm 2019, xe hai bánh chạy điện chiếm 5,4% thị phần ở Việt Nam thì năm 2020 là 8,5%, đây là một thành tựu đáng ngưỡng mộ khi so sánh với các quốc gia khác. Tuy nhiên hiện tại, xe 2 bánh điện chạy bằng ắc quy axit-chì với công suất pin nhỏ hơn 4 kW đang thống trị thị trường tại Việt Nam, với 75% thị phần. Tại các quốc gia ASEAN khác, bao gồm Thái Lan và Indonesia, đa số xe máy điện sử dụng pin lithium-ion.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang đối mặt với những vấn đề tương tự như tất cả các thị trường xe điện mới nổi. Đó là việc sạc pin và trao đổi pin bị hạn chế. Hầu hết việc sạc được thực hiện tại nhà. Trong lĩnh vực này thì VinFast tỏ ra đi đầu trong việc cung cấp hạ tầng sạc, và có kế hoạch dự kiến ​lắp đặt 150.000 cổng sạc trên cả nước.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam