Bảo vật quốc gia: Khám phá Đài thờ Mỹ Sơn A10 - Dấu ấn vàng son văn hóa Chăm Pa

Giữa lòng Mỹ Sơn, trong thung lũng của các vị thần, có một cổ vật quan trọng vừa được công nhận là bảo vật quốc gia vào cuối năm 2021. Đó chính là Đài thờ Mỹ Sơn A10 - một trong những đài thờ rất tiêu biểu cho 1 giai đoạn phong cách kiến trúc nghệ thuật của Chăm Pa khoảng thế kỷ thứ 9, đầu thế kỷ thứ 10, thuộc phong cách Đồng Dương.

Đài thờ Mỹ Sơn A10 nằm trong đền A10 thuộc nhóm A của khu đền tháp Mỹ Sơn là công trình được phát lộ từ rất sớm, nhưng nó chỉ chính thức thành hình nhờ dự án bảo tồn, tôn tạo khu di tích Mỹ Sơn do Chính phủ Ấn Độ tài trợ ký kết theo biên bản ghi nhớ của Chính phủ hai nước Ấn Độ và Việt Nam. Đây được xem là ngoặt lớn, mang tính lịch sử khi từ một phế tích, lần lượt những mảnh ghép còn thiếu đã được thành hình.

Ông LÊ VĂN MINH, Trưởng phòng Bảo tồn Bảo tàng, Ban quản lý Di sản văn hoá thế giới Mỹ Sơn, Quảng Nam: "Từ năm 2003, trong quá trình tái kiểm kê hiện vật Mỹ Sơn, chúng tôi đã nhìn nhận được thành phần của đài thờ rồi. Tuy nhiên khi thử ráp vẫn thiếu 3 khối đá. Đến 2020, trong quá trình trùng tu, chúng tôi tin tưởng rằng trong lúc khai quật, dọn dẹp mình sẽ phát hiện những khối đá còn lại. Và đúng y như vậy."

Giữa năm 2020, các chuyên gia đã  phát hiện ra 3 phiến đá còn thiếu, tiến hành nghiên cứu và lắp ghép một cách hoàn chỉnh đài thờ từ 17 khối đá và nhiều mảnh vỡ nhỏ, được xếp thành 5 lớp chồng lên nhau. Lớp dưới cùng rộng nhất là phần đế đài thờ được ghép từ 9 khối đá, phần đế trang trí 4 mặt. Phần thân bệ thờ gồm 3 lớp đá ghép và xếp chồng lên nhau. Mặt trên cùng là Linga-yoni liền khối được đánh giá là lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Ông NGUYỄN VĂN THỌ, Phó phòng Bảo tồn Bảo tàng, Ban quản lý  Di sản văn hoá thế giới Mỹ Sơn, Quảng Nam: Trong đài thờ này ẩn chứa rất nhiều điều, đặc biệt là về mặt vật liệu. Trong đài thờ này chúng ta phát hiện vật liệu chì, sử dụng trong việc kết nối đá trong đài thờ Mỹ Sơn A10 mà hầu như duy nhất tại Mỹ Sơn là chúng ta tìm thấy được.”

Đài thờ Mỹ Sơn A10 đặt trong tổng thể của cụm tháp A, cũng là khu vực có 2 đền thờ xây dựng song song với nhau.

Ông PHAN HỘ, Trưởng Ban quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, Quảng Nam:Đài thờ Mỹ Sơn A10 đáp ứng được 3 tiêu chí quan trọng: Là hiện vật nguyên gốc và duy nhất; thứ 2 là nó độc đáo, thứ 3 là nó có tính sáng tạo và là hiện vật tiêu biểu cho 1 thời kỳ”.

Chính vì lý do đó, cuối năm 2021, Đài thờ Mỹ Sơn A10 đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Nó không chỉ đơn thuần là không gian tế tự của một ngôi đền Hindu tiêu biểu tại khu đền tháp Mỹ Sơn mà còn là minh chứng cho một giai đoạn phát triển của kiến trúc và nghệ thuật tại thung lũng thần linh – nơi văn hoá cổ được bảo tồn và lưu giữ qua hàng thế hệ.

Việc công nhận Đài thờ Mỹ Sơn A10 là Bảo vật quốc gia, một lần nữa đã khẳng định giá trị của khu thánh địa Mỹ Sơn – một trong 8 Di sản Thế giới được UNESCO công nhận của Việt Nam. Cũng thông qua nghiên cứu Đài thờ A10, các nhà khoa học càng có thêm những bằng chứng chắc chắn cho thấy một thời kỳ phát triển vàng son của vương quốc Chăm Pa trên vùng đất này. 

Truyền hình Quốc hội Việt Nam