Cần nghiên cứu kỹ quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều 15/1 Quốc hội tiến hành thảo luận về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng quy định liên quan đến xử lý dữ liệu cá nhân, việc thực hiện bảo vệ dữ liệu cá nhân trong hệ thống ngân hàng đang có nhiều vướng mắc, khó khăn.

Theo đại biểu, Nghị định 13/2023/NĐ-CP quy định chủ thể có quyền được biết về việc xử lý dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác. Chủ thể có quyền không đồng ý xử lý dữ liệu cá nhân của mình, có quyền xóa truy cập, yêu cầu hạn chế xử lý dữ liệu, phản đối xử lý dữ liệu trừ trường hợp có quy định khác. 

Đại biểu cho biết, theo hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, toàn bộ các hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu khách hàng nói chung, khách hàng cá nhân nói riêng được quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật cấp độ dưới luật. 

Mặt khác, đối với hoạt động ngân hàng, việc xử lý dữ liệu cá nhân, tác động tới dữ liệu cá nhân như thu thập, ghi, phân tích, xác nhận, lưu trữ, chỉnh sửa, công khai, kết hợp, truy xuất, thu hồi… không chỉ để cung cấp dịch vụ cho khách hàng, mà còn để quản lý hoạt động ngân hàng, quản lý rủi ro, bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống tiền tệ. Nhiều hoạt động xử lý dữ liệu khách hàng cá nhân không phải cần sự chấp nhận của khách hàng. 

Đại biểu cho rằng việc luật hóa các quy định này trong dự thảo luật là chưa đủ để tháo gỡ các vướng mắc trên thực tiễn, đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc luật hóa rõ hơn, để giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn thi hành luật.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!