Câu chuyện hôm nay: Thiếu đất đắp, nhiều dự án trễ hẹn tại Quảng Trị

Trong 5 năm lại đây, bình quân mỗi năm tỉnh Quảng Trị khởi công 100 dự án đầu tư công cần khối lượng lớn đất làm vật liệu san lấp mặt bằng, xây dựng nền, móng công trình. Đơn cử, năm 2023, nhu cầu này là hơn 4,2 triệu m3. Trong khi đó, ngoài lượng đất được lấy từ các lòng hồ theo hình thức nạo vét, cải tạo, đến nay trên toàn tỉnh Quảng Trị mới chỉ cấp phép khai thác được 3/66 mỏ đất được quy hoạch, đưa vào đấu giá trước đó. Thiếu đất đắp ở tỉnh Quảng Trị hiện không chỉ làm chậm tiến độ và chậm giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều dự án mà còn tạo cơ hội cho “đất tặc” lộng hành, gây thất thu thuế. Vậy Quảng Trị sẽ giải quyết việc thiếu đất đắp trong năm 2024 bằng cách nào?!

Dự án đường Hùng Vương kết nối Hành lang kinh tế Đông Tây và Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị là một trong những công trình hiện đang dẫn đầu trong tốp các công trình đã nhiều lần trễ hẹn với tiến độ do không có đất đắp san lấp mặt bằng. Dự án được thực hiện từ năm 2017-2022 với tổng mức đầu tư hơn 120 tỉ đồng, từ nguồn vốn vay ADB và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, đến thời điểm cuối tháng 2 năm 2024, giá trị thực hiện dự án chỉ mới đạt 8,3% giá trị hợp đồng.

Trong khí đó, mỏ đất Phong Bình 1 thuộc huyện Gio Linh, có tổng diện tích 25 ha, trữ lượng là 1,1 triệu mét khối. Mỏ đất này được tỉnh Quảng Trị đưa ra đấu giá với mức khởi điểm 921,8 triệu đồng, đơn vị đấu trúng với giá gần 31 tỷ đồng, cao hơn 30 lần so với giá khởi điểm. Thế nhưng, hiện khu vực mỏ đất này do có khoảng 40 hộ dân đang canh tác trồng rừng nên công tác giải phóng mặt bằng bị vướng dẫn tới việc khai thác đất mỏ ở đây không thực hiện được.  

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Võ Linh