Điểm báo 8/11: Khơi “mỏ vàng” thuế thương mại điện tử

Khơi “mỏ vàng” thuế thương mại điện tử; Xe điện đối diện với bài toán môi trường; Doanh nghiệp không dám tiếp cận vốn ngân hàng khi chuyển dịch năng lượng; Trung tâm đăng kiểm khổ vì giá kiểm chuẩn “nhảy múa”;... là những tin tức đáng chú ý sáng 8/11.

KHƠI “MỎ VÀNG” THUẾ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Thời gian qua, hoạt động thu thuế thương mại điện tử (TMĐT) đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình trạng thất thu trong lĩnh vực này vẫn hiện hữu. Phía cơ quan thuế đang nghiên cứu giải pháp xây dựng công cụ tự động thu thập dữ liệu kinh doanh trực tuyến qua các nền tảng để quản lý thuế tốt hơn. Thông tin đáng chú ý trên trang nhất báo Kinh tế và Đô thị số ra sáng nay.  

Thực tế hiện nay, có nhiều DN đang sử dụng các phương thức giao dịch TMĐT để giảm thiểu các khâu trung gian, giảm chi phí và tăng tốc độ lưu thông hàng hóa. Khó khăn lớn nhất trong quản lý thuế TMĐT là số người mua hàng trả bằng tiền mặt vẫn đáng kể. Vì vậy, khó xác định được việc kê khai nộp thuế của người bán. Đặc điểmTMĐT là mua bán trực tuyến, phần mềm điện tử được kết nối mạng Internet toàn cầu; phạm vi không gian và thời gian không giới hạn...  

XE ĐIỆN ĐỐI DIỆN VỚI BÀI TOÁN MÔI TRƯỜNG

Theo thông tin đăng tải trên báo Đại đoàn kết, số lượng xe chạy động cơ điện tại Việt Nam đã ở con số hơn 11.000 xe ô tô điện và hơn 2 triệu xe máy điện. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, việc xử lý pin xe điện cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.

Các chủ xe điện thường tự xử lý pin đã hết tuổi thọ bằng cách bán cho các cơ sở thu mua phế liệu, khiến việc quản lý và kiểm soát chất lượng trở nên khó khăn. Mặc dù xe điện không thải ra khí CO2 trong quá trình sử dụng, nhưng việc sản xuất chúng gây ra tác hại đến môi trường và việc tái chế pin đặt ra nhiều thách thức đặc biệt. Nguy hại hơn, chúng rất dễ bắt lửa và thậm chí là nổ nếu tháo dỡ không đúng cách. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại trên toàn thế giới mới chỉ có 5% tổng số pin đang được tái chế.  

DOANH NGHIỆP KHÔNG DÁM TIẾP CẬN VỐN NGÂN HÀNG KHI CHUYỂN DỊCH NĂNG LƯỢNG

Chính sách chưa rõ ràng, hạ tầng còn hạn chế đang là những cản trở cho các doanh nghiệp trong ngành năng lượng cũng như thực hiện chuyển dịch năng lượng.

Theo các chuyên gia, việc hạ tầng lưới điện cho các nguồn điện từ năng lượng tái tạo còn hạn chế là một trong những thách thức lớn khiến doanh nghiệp năng lượng “chùn chân”, cũng chưa có hệ thống lưu trữ năng lượng nào đi vào hoạt động. Trước thực trạng này, các chuyên gia kiến nghị cần sớm sửa đổi, điều chỉnh Luật Rừng, Đất đai, Biển và các nghị quyết, nghị định liên quan đến định giá đất, chuyển đổi đất rừng, đất nông nghiệp sang đất năng lượng. Đồng thời, điều chỉnh Luật Điện lực để cho phép các nhà đầu tư năng lượng tái tạo tư nhân tham gia xây dựng và phát triển lưới điện truyền tải.   

TRUNG TÂM ĐĂNG KIỂM KHỔ VÌ GIÁ KIỂM CHUẨN “NHẢY MÚA”

Việc các đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm chuẩn thiết bị kiểm định báo giá cao và thay đổi liên tục khiến các trung tâm đăng kiểm gặp nhiều khó khăn. 

Cụ thể, giá một chiếc thước cuộn ngoài thị trường chỉ trên dưới 300 nghìn đồng nhưng giá kiểm định lên tới 1,5 triệu đồng; thiết bị đo độ ồn vài trăm nghìn nhưng giá kiểm định là 2 triệu đồng…. Hiện chi phí kiểm định các thiết bị được đánh giá là quá cao, không phù hợp với khả năng tài chính của các trung tâm, trong khi giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới 10 năm qua chưa được điều chỉnh, nhu cầu kiểm định của người dân sụt giảm. Các trung tâm phải tháo thiết bị đưa đến các đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm định khiến dây chuyền không thể thực hiện, làm hụt thu. Để gỡ khó cho các đơn vị đăng kiểm, lãnh đạo Cục Đăng kiểm VN đã đề nghị các đơn vị cung cấp, sửa chữa, bảo hành, bảo dưỡng các thiết bị kiểm tra lắp đặt ở các trung tâm đăng kiểm xúc tiến việc đào tạo, kiểm tra, đánh giá để được cấp giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn các thiết bị, dụng cụ đo nhóm 2 cho các trung tâm.