Lễ hội Gầu Tào nét đẹp văn hóa của dân tộc H’Mông nơi rẻo cao

Trong cộng đồng 54 dân tộc, đồng bào dân tộc H’Mông cũng có văn hóa tín ngưỡng tâm linh rất phong phú, đa dạng, tiêu biểu là Lễ hội Gầu Tào, một lễ hội mang tính cộng đồng và đặc trưng đã được phục dựng và bảo tồn trong những năm gần đây tại tỉnh Điện Biên để tổ chức vào mỗi dịp tết đến, xuân về.

Qua 2 năm phục dựng thành công, năm nay Lễ hội Gầu Tào của đồng bào dân tộc H’Mông lại được huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên tổ chức tại xã biên giới Nà Bủng. Hoạt động đầu tiên trong phần lễ là dựng cây nêu. Cây nêu này chính là biểu tượng cho sự mạnh mẽ, trường tồn của người Mông nơi dẻo cao Tây Bắc. Sau khi dựng cây nêu là nghi thức cúng trang trọng để bày tỏ lòng kính trọng tổ tiên, tạ ơn trời đất, cầu mong sơn thần thổ địa phù hộ, ban cho bà con Nhân dân một năm mới khỏe mạnh, người người yên vui.

Khi mặt trời nhô lên khỏi ngọn núi, các chàng trai, cô gái và người dân trong bộ trang phục xúng xính sắc màu của dân tộc mình từ các ngả đường cũng đổ về nơi diễn ra lễ hội đông hơn. Mọi người cùng hòa mình vào phần hội với các tiết mục dân ca, dân vũ và tham gia các trò chơi dân gian truyền thống

Lễ hội Gầu Tào của người H’Mông nơi biên giới Nà Bủng cùng các lễ hội khác trên địa bàn tỉnh Điện Biên như Kin Pang Then của dân tộc Thái, Té nước của dân tộc Lào được bảo tồn và phát huy đang là sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách tới thăm và trải nghiệm ngay từ những ngày đầu xuân, năm mới.

Quốc Hưng -

Thành Đạt