Từ 2022, Bộ đội biên phòng được quyền kiểm tra các phương tiện ở khu vực biên giới

Từ 1/1/2022, Luật Biên phòng Việt Nam sẽ có hiệu lực thi hành. 1 trong những điểm mới của Luật là cho phép Bộ đội Biên phòng được quyền “kiểm tra, kiểm soát phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu”.

Qua đường bộ tại Cửa khẩu Quốc tế La Lay, cuối tháng 7/2021, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, phối hợp với các lực lượng tại Quảng trị bắt giữ 7 contenơ chở gỗ quý các loại và 11 tấn đá quý hiếm từ Lào về Việt Nam, với tổng trị giá trên 29 tỷ đồng. 
 
Trước đó, cuối năm 2020, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP phối hợp với các lực lượng, phát hiện 7 container vận chuyển hàng từ cảng Singapore về Cảng Đà Nẵng. Mặc dù theo tờ khai hải quan, hàng hóa là nước giặt và nước xả vải, nhưng thực tế lại đều là hàng cấm nhập và nhập khẩu với thuế suất cao, tổng trị giá gần 30 tỷ đồng. 
 
Đây đều là các vụ dùng thủ đoạn nhằm trốn thuế và lợi dụng chính sách thông thoáng của hải quan về miễn kiểm tra thực tế hàng hóa với “luồng xanh”. 
 
Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh - Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng: 
 
“ Các đối tượng đã lợi dụng “luồng xanh”, “luồng vàng” để vận chuyển hàng cấm, gian lận thương mại qua biên giới, cửa khẩu rất phức tạp, qua cả đường biển, biên giới bộ và cả hàng không. Mặc dù phát hiện ra nhưng để tổ chức phối hợp các lực lượng bắt giữ, nhiều lúc, nhiều nơi chưa kịp thời và không thủ sức trấn áp tội phạm ngay từ khi ở biên giới, cửa khẩu.”
 
Từ ngày 1/1/2022, Bộ đội Biên phòng được quyền “kiểm tra, kiểm soát phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, xử lý phương tiện vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”. Quy định này sẽ đáp ứng yêu cầu kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật.
 
Trung tướng Nguyễn Hải Hưng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội : 

“Quy định rất mới này của Luật BP sẽ tăng thêm thẩm quyền cho BĐBP trong việc kiểm tra, kiểm soát các phương tiện có dấu hiệu vi phạm qua lại biên giới. Trước đây, lực lượng BP muốn thực hiện thì phải phối hợp với Hải quan, Công an. Có thẩm quyền này, LLBP sẽ chủ động trong PCTP qua lại biên giới ”.
 
Năm 2021, BĐBP đã chủ trì, phối hợp bắt giữ hơn 11.500 vụ/32.700 đối tượng vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu; thu nộp NSNN hơn 45 tỷ đồng. Với thẩm quyền mới được giao, lực lượng này sẽ chủ động hơn, ngăn ngừa việc lợi dụng sự thông thoáng hải quan.
 
Đại tá Đỗ Ngọc Toàn - Cục trưởng Cục Cửa khẩu, Bộ đội Biên phòng :  “Cục Cửa khẩu chúng tôi được giao chủ trì, xây dựng Hướng dẫn về kiểm tra, kiểm soát qua lại biên giới và kiểm tra kiểm soát phương tiện có dấu hiệu vi phạm và xử lý các phương tiện vi phạm ở biên giới, cửa khẩu. Đây sẽ là cơ sở pháp lý để cụ thể hóa Luật Biên phòng và quy trình kiểm tra kiểm soát giúp cho việc kiểm tra, xử lý, đấu tranh với tội phạm có hiệu quả hơn.” 
 
Cũng theo Luật Biên phòng Việt Nam, Bộ đội Biên phòng có nhiệm vụ Kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý và kiểm soát qua lại biên giới theo quy định của pháp luật. Vì vậy, “kiểm tra, kiểm soát phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật” được triển khai chặt chẽ, sẽ ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật./.