Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam thu thêm 14.600 tỷ đồng/năm

Sáng 10/11, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra đối với dự thảo nghị quyết liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu. Thuế tối thiểu toàn cầu là một loại thuế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng. Và hiện đã có 142 quốc gia đồng thuận áp dụng từ 1/1/2024. Vì tính cấp bách như vậy, nên nội dung này mới được Quốc hội cập nhật, điều chỉnh bổ sung vào chương trình nghị sự của Kỳ họp này.

Theo quy định của OECD, từ đầu năm 2024, các Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên phải nộp phần chênh lệch giữa mức 15% và mức thuế thu nhập doanh nghiệp thực nộp về cho quốc gia đặt trụ sở chính, dù các “ông lớn” này đang hiện diện ở bất kỳ quốc gia nào. 

Ví dụ như Tập đoàn A, có trụ sở tại Hàn Quốc, đang rót vốn đầu tư vào Việt Nam, được hưởng mức thuế suất ưu đãi 10%. Tuy nhiên, từ năm 2024, khi Hàn Quốc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15%, thì tập đoàn A sẽ phải nộp thêm khoản chênh lệch 5% tiền thuế về Hàn Quốc – nơi đặt trụ sở chính.

Do vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nước nhận đầu tư là Việt Nam, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định cần áp dụng thuế TTTC ngay từ đầu năm sau.

Nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh dẫn lại số liệu của Chính phủ, có khoảng 122 tập đoàn FDI tại Việt Nam thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết với tổng số thuế Thu nhập doanh nghiệp ước tính có thể nộp bổ sung cho Việt Nam là 14.600 tỷ đồng/năm.

Trong bối cảnh Chính phủ chưa triển khai kế hoạch sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để quy định vào Luật các nội dung liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu, đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí cần tạm thời ban hành Nghị quyết (thí điểm) của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu của OECD trước khi tiến hành sửa Luật để bảo đảm quyền thu thuế của Việt Nam, phù hợp với xu thế và chuẩn mực quốc tế trong quản lý thuế.

Tuy nhiên, đại diện cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, Chính phủ cần đánh giá đầy đủ hơn về tác động đối với môi trường đầu tư trong nước sau khi sắc thuế này được áp dụng, đồng thời kịp thời tính toán việc thay thế các chính sách ưu đãi hiện hành cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ báo cáo rõ về kế hoạch, thời gian sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để bảo đảm các nội dung về thuế phải được quy định một cách thống nhất trong Luật.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

 

Thùy Trang -

Ninh Tùng