Lập pháp để giải quyết ngay những phát sinh thực tiễn, kiến tạo cho phát triển

Cũng với tầm nhìn dài hạn, tinh thần lập pháp được quán triệt trong Quốc hội Khóa XV là không để xảy ra tình trạng “bắc nước sôi chờ gạo người”. Quốc hội giữ vai trò chủ động dẫn dắt công tác lập pháp, vào cuộc từ sớm, từ xa, thậm chí “đặt hàng” các cơ quan Chính phủ trong việc hoàn thiện thể chế pháp luật.

Câu chuyện hậu trường sau đây có lẽ chưa được nhiều người biết về quá trình xây dựng Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu. Đằng sau tỷ lệ đồng thuận rất cao khi bấm nút thông qua nghị quyết là cả một sự chủ động, linh hoạt để tìm ra lời giải tối ưu cho bài toán cân não trước đòi hỏi cấp bách của thị trường và áp lực thời gian, là sự đồng hành hữu hiệu của Quốc hội với Chính phủ để không bỏ lỡ cơ hội cho đất nước. Câu chuyện được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ví như “kéo pháo vào, kéo pháo ra” trong dịp chia sẻ với các cơ quan báo chí cuối năm. 

Trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội và Chính phủ thống nhất đưa vào chương trình kỳ họp 2 nghị quyết. Một là Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu. Hai là Nghị quyết về thí điểm chính sách khuyến khích đầu tư cho công nghệ cao.

Tuy nhiên, với nhiều nội dung chưa có tiền lệ, Nghị quyết về chính sách khuyến khích cần thêm thời gian nghiên cứu. Do đó, Quốc hội quyết định chưa xem xét Nghị quyết này trong Kỳ họp thứ 6.

Biết được thông tin, ngay sát kỳ họp, nhiều tập đoàn đa quốc gia khẩn thiết kiến nghị Quốc hội cần thông qua đồng thời 2 nghị quyết, để một mặt, họ có thể chủ động kế hoạch tài chính, không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung về nước đóng trụ sở chính từ năm 2024. Mặt khác, họ cần được đảm bảo về các chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ Việt Nam.

Sức ép về thời gian rất lớn khi chỉ còn hơn 1 tháng là chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có hiệu lực trên toàn thế giới.       

Nếu không quyết kịp thời, Việt Nam sẽ rơi vào thế bị động, lỡ mất thời cơ. Đứng trước bài toàn cân não, một phương án tối ưu đã được quyết định ở phút chót.

Ngay sau đó, Quốc hội đã quyết định bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ 6 Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu. Đồng thời, Nghị quyết chung của Kỳ họp có nội dung cho phép thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư để ưu đãi cả doanh nghiệp trong và ngoài nước.

2 nghị quyết này đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ đồng thuận rất cao.

Như vậy, hai mục tiêu cùng lúc đã đạt được. Một mặt, Việt Nam chủ động giành được quyền đánh thuế bổ sung từ các tập đoàn đa quốc gia ước tính gần 15.000 tỷ đồng trong năm 2024. Mặt khác, các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm về chính sách ưu đãi của Việt Nam.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam