Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký chứng thực, ban hành Nghị quyết số 101/2023/QH15, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV quyết nghị một số nội dung sau:

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV họp từ ngày 22/5/2023 đến ngày 24/6/2023 đã xem xét, quyết định và cho ý kiến các nội dung:

Thông qua 8 luật: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Đấu thầu; Luật Giá; Luật Giao dịch điện tử; Luật Hợp tác xã; Luật Phòng thủ dân sự; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Bên cạnh đó, kỳ họp thứ 5 cũng thông qua 17 nghị quyết.

Cho ý kiến lần thứ hai về dự án Luật Đất đai (sửa đổi); cho ý kiến lần đầu về 8 dự án luật: Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Những tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô nước ta cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt nhiều kết quả quan trọng. Bên cạnh những kết quả đạt được, do ảnh hưởng tác động không thuận lợi của bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính thế giới và các hạn chế, yếu kém tích tụ của nền kinh tế trong nước, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc; tăng trưởng kinh tế đạt thấp, kim ngạch xuất nhập khẩu, chỉ số sản xuất công nghiệp, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm; rủi ro nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại gia tăng; thu ngân sách nhà nước giảm so với cùng kỳ năm trước…

Quốc hội yêu cầu Chính phủ phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức thực hiện quyết liệt, tập trung vào một số vấn đề sau đây:

- Bảo đảm ổn định, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ bên ngoài;

-  Điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm;

-  Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định nền tảng vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế hợp lý;

-  Nâng cao chất lượng xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước;

-  Tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; kịp thời chỉ đạo sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản dưới luật không còn phù hợp hoặc kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật, nghị quyết có liên quan;

- Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát;

- Đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch ngành quốc gia theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội;

- Tăng cường cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, tiếp tục rà soát cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành;

- Tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, tiêu dùng trong nước;

- Có các giải pháp phù hợp và thực hiện hiệu quả để ổn định việc làm cho người lao động, hỗ trợ kịp thời cho người lao động thất nghiệp, mất việc làm;

Thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng quy định tại điểm a, khoản 1.1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Điều chỉnh nội dung của Nghị quyết số 93/2019/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận như sau:

- Quy mô diện tích sử dụng đất của dự án là 697,73ha. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2019 đến hết năm 2025;

- Tổng mức đầu tư và nguồn vốn của dự án là 874,089 tỷ đồng, gồm ngân sách trung ương là 519,927 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 354,162 tỷ đồng;

Chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam giai đoạn 2021 - 2023 tương ứng với số lợi nhuận còn lại thực nộp ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2023 của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, tối đa là 17.100 tỷ đồng.

Năm 2023, bố trí 6.753 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 70/2022/QH15; năm 2024, bố trí tối đa 10.347 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Nghị quyết này được Quốc hội nước CHXHCN VN khóa XV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 24/6/2023.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam